Tết là dịp các gia đình mua và dự trữ rất nhiều loại thực phẩm trong nhiều ngày. Vì thế nếu như không bảo quản thực phẩm đúng cách thì rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Bài viết dưới đây Golden Choice sẽ giới thiệu cho chị em những cách bảo quản thực phẩm Tết dài ngày, an toàn nhất. Hãy cùng theo dõi ngay nhé.
Mục lục
Bảo quản thực phẩm chín
Bánh chưng
Sau khi luộc chín bánh chưng, bạn nên vớt bánh ra và rửa sạch bằng nước lạnh cho sạch hết nhựa rồi để ráo nước. Sau đó chúng ta xếp bánh thành nhiều lớp và dùng vật nặng đè lên trong vài giờ để nước trong bánh thoát ra.
Và bạn chỉ cần để bánh ở nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm thấp là cách bảo quản bánh tốt nhất.
Cũng có nhiều người quan niệm rằng bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ bị cứng vỏ bánh. Tuy nhiên, nếu Tết thời tiết quá nóng thì bạn có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, sau đó ăn đến đâu cắt đến đó. Phần bánh thừa thì dùng màng che thực phẩm bọc kín rồi lại cất vào ngăn mát tủ lạnh.
Và một lưu ý nữa là khi lấy bánh chưng trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp hoặc rán trước khi ăn. Chị em cũng nên hạn chế ăn bánh rán vì bánh rán có hàm lượng chất béo (dầu/ mỡ) cao hơn.
Đối với các loại bánh bị mốc trắng hay lên men mùi chua (thường là ở phần góc bánh do phần này hay bị rách) ở lớp vỏ bánh bên ngoài thì bạn cần cắt bỏ phần bị lên men, mốc và chỉ sử dụng phần không bị hư, còn giữ nguyên mùi thơm của bánh.
Món thịt đông
Thịt nấu đông là món ăn được nhiều gia đình ưa chuộng. Một phần do thời tiết Tết lạnh dễ bảo quản, một phần khác món ăn này dễ ăn, phù hợp với sở thích nhiều người.
Với món ăn này, bạn nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa và để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Cho vào hộp nhỏ vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn.
Giò chả
Để bảo quản giò chả thì bạn nên bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn bị đổ “mồ hôi”. Bạn nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng không nên để ở hơi có gió. Cách bảo quản giò lụa hay giò bò, giò chả là giống nhau, đều để ở nhiệt độ thường dưới 25 độ C.
Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4 – 6 ngày nếu như bạn để ngăn mát. Thậm chí nếu bảo quản ở ngăn đá thì bạn có thể giữ được đến khoảng 10 ngày, trong trường hợp bạn lỡ mua quá nhiều. Đối với giò lụa, khi lấy ra khỏi ngăn đông thì nên để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 tiếng hoặc chuyển vào ngăn mát 8 tiếng trước khi sử dụng.
Đối với đồ khô
Với các loại thực phẩm khô bạn nên chia riêng từng loại, cho vào túi nilon rồi buộc/ hàn kín miệng túi rồi để trong hộp đựng thức ăn, để nơi khô ráo, thoáng mát. Trong quá trình sử dụng, tránh để những loại thực phẩm này dính nước vì nơi ẩm ướt sẽ làm chúng bị mốc hoặc lên men.
Măng khô
Nếu muốn để măng lâu không hỏng, bạn cho măng vào nồi nước đun sôi khoảng 30 phút. Để măng ở lửa nhỏ, đun tiếp khoảng 5 phút rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già, rửa sạch.
Sau đó dùng nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội ngâm dùng dần, cứ 2 – 3 ngày thay nước một lần. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho thực phẩm, chỉ nên ngâm từng ít một, ăn trong 2 – 3 ngày, hết lại nấu tiếp để dùng.
Các loại mứt
Các loại mứt thường chứa nhiều đường nên rất dễ bị chảy nước, nấm mốc. Muốn bảo quản mứt được lâu hơn, bạn nên cho vào lọ hoặc túi nilon, phủ thêm một lớp đường trắng lên trên để hút ẩm bên trong và gói kín lại.
Khi ăn, bạn chỉ nên lấy ra lượng vừa đủ, tránh dồn những phần mứt còn thừa lại túi. Đối với mứt, chị em không nên cho vào tủ lạnh mà nên bảo quản nơi khô ráo vì nếu cho vào tủ rồi bỏ ra ngoài sẽ hút ẩm, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Hải sản khô
Đối với đồ hải sản khô như mực, tôm,cá… sau khi mua về nên phơi lại 2 – 3 ngày nắng cho thật khô. Sau đó cho vào lọ thủy tinh có nắp đậy hoặc gói kín bằng giấy báo, quấn thêm bên ngoài một lớp nilon để ngăn mùi lan sang các loại thực phẩm khác. Để giữ được độ dẻo ngon của thực phẩm thì nên để lên ngăn đá của tủ lạnh, nhiệt độ tốt nhất là -18 độ C.
Hải sản khô thì không nên đặt dưới ngăn mát vì mức độ bảo quản không được lâu. Thực phẩm sẽ bị hút mất hơi ẩm, trở nên cứng, không còn giữ được vị ngọt.
Cách bảo quản thực phẩm tươi sống
Thịt cá tươi sống
Thịt, cá, đồ tươi sống khi mua về cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày nhất. Bạn cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp hoặc túi ni lông, sau đó buộc kín và cất vào ngăn đá. Khi muốn chế biến thì lấy ra rã đông và sử dụng. Không nên lấy ra rồi mà không nấu hoặc không nấu hết.
Rau củ quả
Khi mua các loại rau củ quả, chị em nên chọn những sản phẩm còn tươi, có màu sắc tự nhiên, không héo úa, không bị dập nát hay có mùi lạ… Sau khi mua về thì bạn nhặt bỏ những phần bị héo úa, rửa sạch và để ráo nước. Bạn có thể bọc lại bằng giấy báo hoặc túi nilon và cho vào tủ lạnh để giữ cho thực phẩm không bị mất nước và tươi lâu hơn.
Đối với các loại rau củ như bắp cải, cải thảo, cà chua, cà rốt, khoai tây… thì nên để nơi khô thoáng, không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Khi nào cần chế biến mới cần đem đi rửa sạch.
Bài viết trên đây là những cách bảo quản thực phẩm Tết an toàn cho chị em tham khảo. Hi vọng chị em sẽ biết cách bảo quản để có một mùa Tết an lành, khỏe mạnh hơn.
Xem thêm:
Tips cắm hoa ngày Tết chưng bàn thờ và phòng khách rước tài lộc
Gợi ý những món đồ trang trí ngày Tết 2021 cho gia đình của bạn