Những lời đề nghị, yêu cầu từ những người xung quanh bạn có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ hình thức nào, ví dụ từ người thân trong gia đình hay đồng nghiệp và bạn bè. Nếu ôm đồm mọi thứ, những việc này sẽ rút cạn thời gian trong ngày và sức lực của bản thân bạn.
Mục lục
- 1 Các lý do bạn nên nói “không”
- 1.1 1. Nói “không” giúp bạn biết rằng cái gì cũng có giới hạn
- 1.2 2. Giúp bạn đi đúng hướng và thực hiện mục tiêu cuộc đời
- 1.3 3. Nói “không” có thể bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương không đáng có
- 1.4 4. Biết nói “không” khiến bạn mạnh mẽ và bản lĩnh hơn
- 1.5 5. Rèn luyện sự quyết đoán hơn
- 1.6 6. Giúp bạn tiết kiệm thời gian
- 1.7 7. Dạy bạn trân trọng giá trị của từ “có”
- 2 Vậy nên biết nói “không” như thế nào cho hợp lý?
Các lý do bạn nên nói “không”
1. Nói “không” giúp bạn biết rằng cái gì cũng có giới hạn
Điều gì cũng có giới hạn, bạn nên nói “không” những lúc cần thiết và ngược lại, biết dừng lại đúng lúc nếu như ai đó nói “không” với bạn. Mọi việc luôn có giới hạn, ngay cả bản thân bạn cũng vậy. Đừng cố gắng nói “có” nếu không thực sự cảm thấy mình thích thú làm công việc đó, hoặc nhận những công việc nằm ngoài khả năng và tầm kiểm soát của mình, để rồi khiến bạn đồng ý thực hiện công việc một cách miễn cưỡng, trong lòng rất ấm ức, khiến đối phương cũng rơi vào tình thế khó xử. Hãy chấp nhận và biết hài lòng với mọi thứ và nói “không” khi tới giới hạn.
2. Giúp bạn đi đúng hướng và thực hiện mục tiêu cuộc đời
Khi mục tiêu của bạn bị ảnh hưởng bởi những tác động ngoại cảnh khiến bạn xao nhãng, hãy giữ vững lập trường của mình, nghiêm khắc với bản thân và nói “không” với những cám dỗ để theo đuổi đến cùng những thứ bạn mong muốn.
3. Nói “không” có thể bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương không đáng có
Đôi khi con người kỳ lạ ở chỗ, rõ ràng trong lòng mình không hề hài lòng, nhưng lại tỏ ra vui vẻ và chấp nhận. Đôi khi điều này rất khó chịu, nhưng lại cả nể không muốn làm mất lòng ai. Nói “không” chính là cách để bản thân bạn không phải tự dằn vặt bản thân và chấp nhận những điều mình không muốn.
4. Biết nói “không” khiến bạn mạnh mẽ và bản lĩnh hơn
Chẳng thể phủ nhận, khi bị người khác nói “không” hay từ chối thẳng thừng một việc gì đó, ai cũng có một chút hụt hẫng hay đau lòng. Nhưng có những “gáo nước lạnh” như vậy, bạn sẽ mạnh mẽ và bản lĩnh hơn và học được nhiều điều, có thể bạn sẽ nhận ra tại sao họ lại nói không và nhìn ra những sai sót của bản thân mình.
5. Rèn luyện sự quyết đoán hơn
Hãy tập nói “không” những lúc bạn cho là cần thiết, bạn sẽ dần học được tính quyết đoán. Sự quyết đoán chắc chắn là một nhân tố quan trọng nếu như bạn muốn thành công trong sự nghiệp và kiểm soát cuộc sống của bạn tốt hơn.
6. Giúp bạn tiết kiệm thời gian
Nếu bạn nói “có” quá nhiều, mọi người sẽ liên tục nhờ vả bạn ngay cả những lúc không cần thiết, nhờ bạn làm nhiều việc trong khi bạn không có thời gian. Nói “không” để họ biết bản thân phải thận trọng hơn mỗi khi nhờ bạn điều gì đó và bạn sẽ không phải cả nể cố giúp đỡ ai trong khi mình còn quá nhiều việc để làm.
7. Dạy bạn trân trọng giá trị của từ “có”
Hẳn là khi bị từ chối quá nhiều và cho đến khi có ai đó nói “có” với bạn, đây là một cảm giác vô cùng tuyệt vời, là thời khắc bạn trân trọng câu nói “có” này hơn bao giờ hết. Ví dụ như khi đi xin việc, rất nhiều công ty quay lưng từ chối hồ sơ nhưng sau một thời gian kiên trì, bạn được tuyển dụng, hẳn sẽ cảm thấy sung sướng bội phần và cố gắng để làm việc thật tốt.
Từ “có” rất giá trị khi biết cách sử dụng đúng thời điểm và hoàn cảnh. Khi bạn biết nói “không” nghĩa là bạn biết giới hạn và trân trọng lời nói “có” của mình. Nói “không” cũng là lúc bạn thành thật hơn với người khác và chính bản thân mình.
Vậy nên biết nói “không” như thế nào cho hợp lý?
Nói “không” không phải là việc dễ dàng, vì có thể bạn sợ tỏ ra thô lỗ, làm người khác thất vọng, thậm chí gây ra xung đột và chia rẽ. Đây là một suy nghĩ sai lầm – điều đó phụ thuộc vào cách bạn nói “không” như thế nào. Dưới đây là một số phương pháp của “Nghệ thuật nói không” giúp bạn từ chối một cách hiệu quả, khéo léo để người nghe không phật lòng, đồng thời giúp bạn không cảm thấy quá áy náy hay e ngại.
Tránh nói “không” ngay lập tức
Tác giả cuốn sách “Lời từ chối hoàn hảo” – William Ury chia sẻ: “Khi từ chối vội vàng, giận dữ cùng với sự thái quá, chúng ta dễ dàng mất đi những lợi ích có thể có.”
Thay vì từ chối thẳng thừng ngay từ khi nhận được lời đề nghị, hãy bày tỏ sự quan tâm hoặc đồng cảm với đối phương trước, ví dụ như: “Ý kiến đấy thú vị thật, mình rất thích, nhưng….” hay là “Tôi rất muốn tham dự, nhưng…”.
Bạn cũng có thể gián tiếp giúp đỡ bằng cách đưa ra giải pháp khác: “Tiếc quá, tôi không biết cách làm việc này, nhưng tôi biết một người có thể chắc chắn giúp bạn, hãy để tôi giới thiệu bạn với người này”. Đây là một cách từ chối hiệu quả nhưng không làm đối phương cảm thấy phiền lòng hay thất vọng.
Nên nói “không” cùng với sự thành thật
Khi một người gần gũi với chúng ta cần sự giúp đỡ nào đó, chúng ta hẳn thường đồng ý ngay trước khi bắt đầu suy nghĩ về sự thực tế của hành động giúp đỡ này cũng như những cam kết về thời gian của cá nhân. Vì vậy hãy suy nghĩ kĩ về quỹ thời gian các nhân trước, rồi từ chối giúp đỡ kèm những lý do thực tế và thích đáng, giải thích cho họ hiểu rằng bạn thực sự không thể làm.
Câu nói “tôi không thể làm” hoàn toàn khác biệt với câu “tôi không làm”. Hãy thành thật và khi họ hiểu được rằng yếu tố ngoại cảnh không cho phép bạn giúp đỡ, chắc chắn họ sẽ không mất lòng và mối quan hệ vẫn được duy trì tốt đẹp. Đôi khi bằng việc nói “không,” bạn thực ra đang khuyến khích người khác tự lập. Khi bạn không thể giúp đỡ, họ sẽ tự mình tìm cách giải quyết vấn đề của bản thân. Sự học hỏi đến từ việc tự mình tìm ra một giải pháp.
Luyện tập từ chối
Sẽ có những người xa lánh bạn vì đã nói “không”, hãy để họ đi. Những người thực sự thân thiết và có thể kết nối với bạn sẽ hiểu được góc nhìn và lý do tại sao bạn từ chối làm một việc gì đó với họ. Bạn không thể làm hài lòng tất cả thế giới. Hãy tự giúp bản thân mình và cố gắng xây dựng năng lượng tích cực bằng cách không ép buộc bản thân thực hiện những điều bạn không thể làm.
Biến cách nói “không” thành một bài tập tâm lý. Hãy tự vấn bản thân với 3 câu hỏi trước khi quyết định chấp thuận hay từ chối lời đề nghị.
Bạn luôn có lựa chọn, và nếu vấn đề cần giải quyết không khiến bạn có hứng thú, đừng làm việc đó.