Thời điểm giao mùa là lúc mọi người dễ mắc các bệnh tai mũi họng (ENT) nhất. Bệnh lý xảy ra ở các cơ quan này thường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Một cơ quan này có bệnh thì sẽ tác động tới 2 cơ quan còn lại. Đây cũng là lý do vì sao bệnh ENT hay bị tái phát, gặp nhiều khó khăn khi điều trị, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh. Vậy đâu là những bệnh tai mũi họng thường gặp khi giao mùa và cách phòng bệnh ra sao? Cùng tìm hiểu thêm thông tin về loại bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Viêm họng – viêm Amidan
Thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hoặc thậm chí là từ lạnh sang nóng cũng ảnh hưởng tới đường hô hấp của chúng ta. Nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến mũi và họng không kịp thích nghi nên rất dễ bị cảm lạnh, viêm họng. Đây chính là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp khi giao mùa nhất. Đặc biệt, nếu sức đề kháng yếu thì càng dễ bị viêm mũi họng.
Niêm mạc mũi có tác dụng làm ẩm không khí trước khi đi vào phổi nhưng khi nhiệt độ thay đổi đột ngột thì những niêm mạc này sẽ bị khô, vi khuẩn dễ tấn công. Từ đó khiến mũi dễ bị viêm, sổ mũi và ảnh hưởng tới cả họng, có thể dẫn tới chứng viêm họng.
Viêm họng thường khiến người bệnh đau rát, ngứa họng vô cùng khó chịu. Tình trạng ho kéo dài ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt cũng như sức khỏe. Đặc biệt, viêm họng không được chữa dứt điểm còn khiến người bệnh bị viêm Amidan.
Viêm Amidan khiến họng sưng to và đau, ảnh hưởng tới việc nói chuyện, ăn uống của người bệnh, thậm chí nó còn gây ra chứng hôi miệng. Người bệnh sẽ được điều trị kháng sinh, nếu không hiệu quả sẽ được chỉ định cắt Amidan. Tuy nhiên, phẫu thuật này có thể khiến người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
2. Viêm tai giữa và nhiễm trùng tai – bệnh tai mũi họng thường gặp khi giao mùa
Tai – mũi – họng là những cơ quan thông nhau và có liên quan mật thiết với nhau. Một khi bệnh nhân bị viêm họng, sổ mũi thì tai cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vi khuẩn, vi trùng ở mũi và họng có thể di chuyển và xâm nhập vào ống tai gây nên tình trạng viêm tai. Trong khi đó, bên trong tai luôn có dịch lỏng hoặc dịch nhầy nên càng tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển.
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì bệnh viêm tai giữa rất phổ biến. Một phần do cấu tạo ống tai chưa hoàn thiện, một phần lý do khác là do trẻ hay bị viêm họng nên kéo theo tình trạng bị viêm tai.
Viêm tai giữa khiến người bệnh bị ngứa, đau và nhức tai. Thường thì tai sẽ chảy dịch, thậm chí là chảy mủ. Việc điều trị bệnh viêm tai giữa gặp nhiều khó khăn do bệnh thường xuyên tái phát.
Trong khi đó, bệnh nhân bị bị nhiễm trùng tai lại thường bị đau tai dữ dội và nguy hiểm hơn là khó giữ thăng bằng. Cũng có nhiều trường hợp bị mất thính lực, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt.
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bị bệnh viêm tai giữa thường khó phát hiện. Lúc này trẻ thương có một số biểu hiện như: lắc đầu, giật tai, gãi tai, quấy khóc, bỏ bú. Do tai bị đau và ngứa nên một số trẻ sẽ dùng tay đập vào tai hoặc đập vào đầu. Đa số trẻ bị viêm tai giữa thường không ngủ sâu giấc và hay bị sốt do nhiễm trùng.
3. Bệnh viêm xoang
Các loại virus, vi khuẩn hoặc nấm cư trú trong hốc xoang mũi lâu ngày sẽ tạo áp lực cho mũi và gây viêm xoang. Khi nhắc tới bệnh viêm xoang mũi thì có 2 loại gồm: viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính. Cho dù là bệnh nhân mắc loại nào thì viêm xoang cũng là một loại bệnh tai mũi họng thường gặp khi giao mùa và rất dễ bị tái phát trong thời điểm nhạy cảm như thế này.
Các biểu hiện thường gặp của bệnh viêm xoang như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau đầu, đau răng, mệt mỏi… Bệnh không được kiểm soát và điều trị tốt có thể ảnh hưởng tới khả năng thị lực của mắt, cũng có thể gây nhiễm trùng da và tủy…
Bệnh viêm xoang được xếp vào nhóm bệnh rất khó chữa dứt điểm trong số các loại bệnh liên quan đến mũi. Đặc biệt, bệnh viêm xoang mãn tính gây nhiều đau đớn, khó khăn cho người bệnh. Họ thường gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, việc phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.
Xem thêm: Điểm mặt những thói quen xấu phá hủy hệ miễn dịch của bạn
Cách phòng bệnh tai mũi họng thường gặp khi giao mùa
Trong thực tế thì không có biện pháp nào giúp chúng ta có thể ngăn ngừa triệt để tất các bệnh về tai mũi họng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều biện pháp khác nhau giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh mà chúng ta có thể áp dụng sau đây.
- Tập cho mình và người thân giữ thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh. Đặc biệt, sau mỗi lần đi vệ sinh, tiếp xúc nơi công cộng thì càng nên rửa tay kỹ với xà phòng.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc, nếu có thể nên bỏ thuốc lá.
- Khi nhận thấy bản thân có các biểu hiện bệnh tai mũi họng thì nên tới gặp bác sĩ sớm nhất để được thăm khám và có hướng điều trị khoa học.
- Nên tập thể dục hàng ngày để cơ thể có độ dẻo dai và sức đề kháng tốt.
- Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên các loại rau củ và trái cây tươi để nâng cao hệ miễn dịch.
Một lưu ý quan trọng là hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí khá nghiêm trọng, đặc biệt là ở những khu đô thị lớn. Do đó, việc sử dụng khẩu trang mỗi khi ra ngoài hoặc tại nơi công cộng là rất cần thiết. Thói quen này sẽ giúp bảo vệ mũi họng của bạn.
Trên đây chính là những bệnh tai mũi họng thường gặp khi giao mùa cũng như cách phòng tránh. Hi vọng bạn sẽ có thêm kinh nghiệm hữu ích để bảo vệ sức khỏe khỏi các loại bệnh trên.