4 lưu ý giúp bảo quản thực phẩm ngày Tết hiệu quả hơn

Tết nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm, gia đình nào cũng tích trữ lượng thực phẩm lớn để sử dụng. Do đó, việc bảo quản thực phẩm sống cũng như các món ăn đã chế biến cần được chú trọng để đảm bảo chất lượng và tránh lãng phí. Dưới đây là 4 gợi ý giúp bảo quản thực phẩm ngày Tết hiệu quả mà các bà nội trợ có thể tham khảo.

1.     Mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết: nên phân loại thực phẩm

Để việc bảo quản thực phẩm dễ dàng và hiệu quả hơn thì chúng ta nên chia chúng thành ba nhóm. Cụ thể bao gồm: thực phẩm tươi sống (các loại thịt , thủy hải sản…), nhóm rau củ quả và cuối cùng là nhóm thức ăn đã được nấu chín.

Việc phân loại này sẽ giúp bảo quản dễ dàng, ngăn nắp và dễ lấy hơn, không cần phải lục tung cả tủ lạnh lên vì bạn không nhớ mình để thực phẩm chỗ nào.

bao-quan-thuc-pham-ngay-tet
Việc phân loại thực phẩm sẽ giúp bảo quản tốt hơn

Một số lưu ý khi trữ đồ trong tủ lạnh

  • Đồ nào bỏ vào tủ lạnh bảo quản trước thì dùng trước. Đồ cũ dùng trước, đồ mới dùng sau. Như vậy sẽ đảm bảo thực phẩm được sử dụng đúng lúc, không bị quá hạn.
  • Không phải bà nội trợ nào cũng chú ý tới việc theo dõi nhiệt độ của tủ lạnh, thậm chí là rất ít người để ý điều này. Với ngăn trữ đông, nhiệt độ từ âm 17 – 18 độ C trở xuống là thích hợp nhất. Trong khi đó, với ngăn lạnh thì nhiệt độ cần đảm bảo từ 1 – 6 độ. Đồng thời cũng nên hạn chế việc mở cửa tủ thường xuyên đặc.
  • Nên đựng thực phẩm trong hộp hoặc bọc kín bằng túi đựng thực phẩm. Điều này vừa giúp tránh mất mùi, lẫn mùi của các loại thực phẩm với nhau lại vừa đảm bảo vệ sinh cho tủ lạnh.

2.     Bảo quản thực phẩm tươi sống

Có thể nói rằng, đây chính là nhóm thực phẩm rất quan trọng để chế biến nhiều món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết của người Việt. Cũng chính vì thực phẩm sống dễ bị vi khuẩn tấn công nên việc bảo quản cũng cần chú ý hơn.

Với các loại cá và hải sản tươi sống nếu muốn bảo quản lâu dài để dùng dần thì cần được đông lạnh và trữ đông ngay càng sớm càng tốt. Lưu ý là cần sơ chế qua loại thực phẩm này trước khi lưu trữ. Các loại hải sản như: cá, mực và tôm thì cần bỏ ruột và rửa thật sạch, để ráo bớt nước và đựng trong hộp kín.

Với các loại thịt gia súc, gia cầm thì chỉ cần rửa sạch là có thể bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát hoặc ngăn đông tùy theo thời gian sử dụng.

bao-quan-thuc-pham-trong-tu-lanh
Không riêng gì thịt tươi sống, bất cứ loại thực phẩm nào cũng nên đựng trong hộp kín khi bảo quản tủ lạnh

Lưu ý khi rã đông, bảo quản thực phẩm ngày Tết

Thực phẩm khi rã đông chỉ cần lấy một lượng vừa đủ dùng, tránh rã đông quá nhiều, không dùng hết rồi cấp đông trở lại. Việc tái trữ đông có thực phẩm nhiều lần dễ gây độc hại, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe khi sử dụng.

Một mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng đó là chia nhỏ lượng thực phẩm theo bữa ăn mà gia đình cần dùng. Tách thành từng phần, từng gói hoặc từng hộp. Nếu cần thì có thể dùng bút ghi chú cho cẩn thận.

Nếu cẩn thận hơn thì bạn có thể sử dụng máy hút chân không, hút sạch không khí trong túi hoặc hộp đựng thực phẩm. Băng cách này sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm hiệu quả hơn.

Trên thị trường có nhiều loại máy hút chân không cầm tay nhỏ gọn với giá thành khá phải chăng. Bạn hoàn toàn có thể cân nhắc và lựa chọn để sử dụng.

Thời gian bảo quản thực phẩm trữ đông

Đối với các loại thịt: thời gian đông lạnh tối đa khoảng 5-10 ngày. Thời gian này cũng còn tùy thuộc vào loại thịt khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Thịt bò, cừu, dê từ 7-10 ngày
  • Thịt lợn, thịt gà, thịt vịt: khoảng 7 ngày
  • Chim cút, chim bồ câu: từ 5-7 ngày
  • Các loại hải sản có thể lưu giữ trong 36 giờ (nhiệt độ thích hợp từ 3-5 độ C)

3.     Đối với rau, củ, quả

Rau, củ, quả là nhóm thực phẩm dễ hỏng nhất. Chúng héo rất nhanh khi tiếp xúc với không khí. Loại thực phẩm này chỉ bảo quản được trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 – 3 ngày.

Nhiều người quan niệm rằng, rau củ càng cất sớm vào tủ lạnh thì càng kéo dài được thời gian bảo quản. Tuy nhiên, thực tế là cần phải sơ chế qua, nhặt bớt lá vàng úa rồi mới cất vào tủ lạnh. Có như vậy rau, củ, quả mới tươi lâu và ít bị hỏng.

Lý do là vì các lá vàng, củ – quả bị dập dễ bị vi khuẩn tấn công, nếu không được loại bỏ thì dễ bị lây lan sang những phần chưa bị hỏng. Do đó, nhóm thực phẩm  này cần được nhặt sạch sẽ và bảo quản kín trong hộp hoặc túi.

Nhiệt độ chuẩn được khuyên dùng của ngăn mát rau, củ, quả là từ 8 – 12 độ C. Mỗi loại thực phẩm lại có ngưỡng nhiệt độ lý tưởng không giống nhau. Rau lá mỏng (xà lách, cải cúc, rau muống…) chịu lạnh kém hơn các loại súp lơ, cải bắp, cà rốt…

Mỗi loại rau, củ, quả khác nhau sẽ có thời gian bảo quản khác nhau

Nhóm củ, quả đặc trưng như: hồng xiêm, cà chua, chuối… nên để chín hẳn mới cho vào tủ lạnh. Nguyên nhân là vì chúng sẽ không tiếp tục chín khi bạn cho vào tủ lạnh nữa. Trong khi đó, nhóm củ quả này ăn xanh sẽ không ngon và không có độ dinh dưỡng tốt nhất.

Với các loại củ, quả như: cà chua, chuối, dưa chuột, cà tím… thì nếu để trong tủ lạnh thời gian dài thì sẽ bị mềm. Điều này làm giảm giá trị dinh dưỡng, thực phẩm mất đi mùi vị thơm ngon đặc trưng. Nhóm thực phẩm này chỉ nên để tối đa trong tủ lạnh 3 ngày.

4.     Bảo quản thức ăn đã nấu chín

Một nguyên tắc cần tuân thủ khi bảo quản thực phẩm đã nấu chín là cần để nguội hẳn mới đậy nắp kín và cất vào tủ lạnh. Nếu thức ăn còn nóng mà cho ngay vào tủ lạnh thì thức ăn sẽ bị biến chất.

Nguy hiểm hơn là nhiệt độ cao trong thức ăn sẽ ngưng đọng thành hơi nước và thúc đẩy vi khuẩn sinh trưởng cũng như phát triển. Nghiêm trọng hơn nữa là có thể gây độc cho toàn bộ thực phẩm để trong tủ lạnh

Tương tự như các loại thực phẩm kể trên, đồ ăn đã nấu chín rất cần được đựng trong hộp có nắp đậy kín rồi mới cho vào tủ lạnh.

meo-bao-quan-thuc-pham-chin-trong-tu-lanh
Thức ăn đã nấu chín nên để nguội hẳn mới bỏ vào tủ lạnh để bảo quản

Lưu ý về nhiệt độ và các món ăn nấu chín riêng biệt

Các món như chiên và món ăn dạng rô-ti thì bạn nên để trong hộp to, đổ ngập dầu, bảo quản ngăn mát. Khi ăn thì chỉ lấy phần vừa đủ, hâm nóng lại.

Nhóm thực phẩm như: nem chua, giò chả rất dễ bị hỏng, ôi thiu. Trước khi bảo quản thì cần bóc hết lớp vỏ gói bên ngoài. Điều này giúp tránh thức ăn bị “đổ mồ hôi”.

Nhiều người đậy loại thực phẩm này bằng hộp kín. Tuy nhiên, đây lại là sai lầm khiến chúng nhanh hỏng hơn. Thay vào đó, nên sử dụng hộp đựng có nhiều lỗ thoáng nhỏ. Nhóm thực phẩm này chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh khoảng 2 ngày. Nếu chưa ăn hết thì nên luộc lại để tránh bị ôi thiu.

Trên đây chính là 4 lưu ý giúp quản thực phẩm ngày Tết hiệu quả hơn mà các bà nội trợ nên biết và áp dụng. Những cách này vừa giúp thực phẩm ngăn nắp và được bảo quản tốt hơn, tiện lợi hơn khi sử dụng, vừa giúp đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí do thực phẩm bị hỏng.