Mâm cỗ đối với người Việt Nam là một nét văn hóa cổ truyền quan trọng vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhất là ở khu vực miền Bắc. Năm nay về làm dâu mà chưa biết chuẩn bị thực đơn mâm cỗ Tết như thế nào cho chỉn chu, đầy đủ thì hãy theo dõi bài viết dưới đây để cập nhập thêm thông tin cho mình bạn nhé.
Mâm cỗ Tết trong văn hóa của người Việt
Theo phong tục từ xưa đến nay, ngày Tết của người Việt không thể thiếu mâm cỗ với những món ăn đặc trưng và khác với ngày thường. Mâm cỗ Tết không đơn thuần chỉ để cúng mà còn thể hiện cả nét đặc trưng văn hóa của cả dân tộc Việt. Thế nên dù khó khăn thì người ta vẫn cố gắng sắm sửa mâm cỗ Tết thịnh soạn nhất để tưởng nhớ đến Tổ tiên để mong Tổ tiên phù hộ một năm mới an lành, phát triển hơn.
Tùy theo từng vùng miền, đặc điểm khí hậu mà mâm cỗ sẽ có những dấu ấn riêng. Và đối với miền Bắc, mâm cỗ được đánh là vẫn giữ được nét bài bản, cổ truyền theo đúng phong tục của dân tộc. Thực đơn mâm cỗ miền Bắc ngày nay vẫn rất tinh tế, cầu kỳ, chú trọng vào từng chi tiết. Không chỉ thể hiện sự khéo léo mà còn phải có sự hài hòa giữa hình thức và chất lượng các món ăn.
Ngày nay tùy vào từng gia đình sẽ có những món ăn khác nhau nhưng nhìn chung vẫn đủ 3 loại món gồm: món mặn, món canh và món ăn kèm.
Gợi ý thực đơn mâm cỗ Tết ở miền Bắc
Đối với món mặn
Thịt đông
Thịt đông là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết ở miền Bắc. Nguyên liệu chủ yếu để chế biến thịt đông bao gồm: thịt lợn (đa phần là thịt chân giò và thêm một ít bì lợn), mộc nhĩ (nấm mèo), gia vị, hạt tiêu. Các nguyên liệu sau khi rửa sạch sẽ, ướp cho vừa vị rồi đem đi ninh nhừ và để nguội.
Đặc trưng của món ăn này là món ăn nguội, thịt sẽ có màu hơi hồng, vô cùng mềm, béo, hòa với hương thơm từ hạt tiêu, ăn kèm với chén cơm nóng và dưa muối chua thì còn gì bằng.
Gà luộc
Nhắc đến mâm cỗ cúng thì không thể quên gà luộc. Đây không chỉ là đặc trưng của mâm cỗ Tết miền Bắc mà là của cả người dân Việt nói chung.
Gà luộc ngày Tết thường sẽ là gà luộc nguyên cả con để cúng ông bà tổ tiên. Sau khi cúng thì có thể chặt nhỏ để ăn hoặc xé nhuyễn làm nộm, nấu cháo. Nước luộc gà còn có thể dùng nấu canh, nấu miến thơm ngon vô cùng.
Loại gà mang đi luộc thường là gà trống khỏe mạnh, phần mào đỏ tươi, lông mượt, móng khỏe, chân vàng. Khi luộc gà cũng phải buộc để gà để có dáng đẹp và có thể bôi nước nghệ để gà được vàng đẹp mắt.
Người ta thường chọn mua gà vườn để mang lại hương vị thịt được thanh ngọt và có độ chắc vừa đủ. Thịt gà ăn chấm muối ớt chanh để mang lại hương vị thơm ngon nhất.
Nem rán
Nem rán, chả ram, chả giò là món ăn truyền thống xuất hiện trong mâm cỗ cúng hoặc đám cưới, ma chay cưới hỏi.Món nem rán với lớp vỏ ngoài giòn tan kết hợp với phần nhân bên trong béo ngậy từ thịt lợn nạc, tôm nõn,
nấm hương, mộc nhĩ, miến cùng một số nguyên liệu khác chắc chắn sẽ làm nức lòng bất kỳ ai. Và cũng đừng quên một bát nước chấm chanh tỏi cay nồng mới có thể dậy lên hương vị mà nem mang lại.
Giò chả
Giò chả (hay còn gọi là giò lụa, chả lụa) được làm từ thịt lợn thăn nạc xay nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon. Sau đó gói trong lá chuối và đem đi luộc chín. Món ăn có hương vị thơm mềm, thanh ngọt, giữ trọn vẹn hương vị của thịt, cùng độ giòn dai và màu sắc trắng hồng vô cùng bắt mắt.
Bánh chưng
Bánh chưng là món ăn truyền thống “ quốc dân” vào ngày Tết ở miền Bắc. Có hình dạng vuông vức, màu xanh lá cây, bánh chưng tượng trưng cho đất, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Hầu như gia đình nào cũng gói bánh chưng và bày bánh chưng trên bàn thờ gia tiên. Có nhiều gia đình thì gói bánh chưng nhỏ để thắp hương theo từng ngày. Hoặc bạn cũng có thể cắt nhỏ thành từng phần tránh việc ăn không hết, lãng phí đồ ăn.
Xôi gấc
Với màu sắc đỏ cam từ trái gấc, xôi gấc sẽ mang đến cho năm mới sự may mắn, sung túc, hạnh phúc theo quan niệm dân gian. Ngoài ra, xôi gấc còn cung cấp nhiều dưỡng chất giúp cải thiện thị lực và duy trì sắc đẹp. Chính vì thế, xôi gấc rất được người miền Bắc ưa chuộng chuẩn bị trong thực đơn mâm cỗ Tết.
Rau xào
Mâm cỗ Tết của người miền Bắc rất coi trọng hình thức. Vì thế phải có đủ các món mặn, món xào, món canh. Rau xào không phải là một món ăn đặc trưng dịp Tết, nhưng lại luôn được người miền Bắc ưu tiên đưa vào mâm cỗ Tết. Bạn có thể kết hợp tùy thích các loại rau củ theo sở thích của gia đình mình như: giá, măng, cà rốt, nấm hương, cải xanh, đậu phụ, đậu dẹt, súp lơ, cần tây,…
Để món rau xào được đẹp mắt và ngon miệng, bạn nên xào rau trên chảo trũng mỏng với lửa to, đảo đều tay để rau xanh đẹp mắt. Nên để ý tắt lửa khi rau vừa chín tới và không đậy nắp ngay khi vừa xào rau vì sẽ khiến rau bị ngả màu vàng.
Món canh
Canh miến nấu măng
Miến nấu măng là món canh truyền thống được nhiều gia đình yêu thích. Bạn có thể dùng luôn nước luộc gà để có sự béo bùi của gà. kết hợp với sườn non được hầm chín vừa tới cùng với sợi măng dai dai sẽ mang đến cho bạn một cảm nhận vô cùng khó quên. Còn gì bằng khi được thưởng thức một bát canh nóng hổi, nước dùng ngọt béo cùng vị cay cay của ớt trong không khí se lạnh ngày Tết đúng không nào.
Canh bóng thập cẩm
Nghe tên có vẻ lạ và cách nấu cầu kỳ nhưng cách nấu lại rất đơn giản. Canh bóng thập cẩm là món canh được nấu từ các nguyên liệu như: thịt, giò sống, cải xanh, nấm, su hào, đậu Hà Lan,… và không thể thiếu phần bóng bì.
Bóng bì là phần da heo được ngâm mềm sau đó ướp với rượu trắng, gừng và có thể nấu nhiều món ăn chứ không phải mình canh bóng thập cẩm. Hương vị của canh thanh thanh, ngọt ngọt từ thịt, miếng bì giòn dai, ăn kèm với chén cơm nóng và món mặn thì đúng là không gì sánh bằng.
Canh măng lưỡi lợn
Một món canh cần kể đến nữa đó là canh măng lưỡi lợn. Nguyên liệu dùng để nấu món canh này là phần măng lưỡi lợn – măng non vừa nhú, xẻ ra phơi, nó giống hình lưỡi của con lợn, đặc, chắc và nhuyễn không có sợi xơ. Phần thịt để nấu canh có thể là cổ, cánh, chân gà, nhưng thích hợp nhất là chiếc chân giò lợn. Canh măng lưỡi lợn là sự kết hợp hoàn hảo giữa phần măng lưỡi lợn mềm ngọt, bùi bùi và vị béo ngọt vừa phải của thịt tạo nên một món canh ấm nóng, đậm đà, thanh nhã vào ngày Tết.
Món ăn kèm
Rau nộm
Đa số món ăn ngày Tết thường nhiều dầu, mỡ, khiến bạn dễ ngán. Do đó rau nộm là món ăn kèm giúp kích thích vị giác ăn uống hơn. Hơn nữa bổ sung rau nộm vào thực đơn mâm cỗ Tết để trông đẹp mắt hơn, hội tụ đủ sắc, hương, vị trong ngày đầu năm.
Món nộm rất đa dạng, từ các món nộm chay như: nộm dưa leo, nộm hoa chuối, su hào, rau muống,…. hay các món nộm mặn như: nộm tai lợn xoài xanh, nộm đu đủ tai lợn,… đều mang đến hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Dưa hành
Người Việt xưa có câu: Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”. Dưa hành/ hành muối là món ăn kèm ngày Tết được người miền Bắc rất ưa chuộng. Món dưa hành ngon đòi hỏi những củ hành phải trắng mịn, nổi vân xanh có độ giòn và vị chua vừa phải. Dưa hành ăn kèm với thịt mỡ, bánh chưng không chỉ kích thích vị giác giúp món ăn tròn vị hơn mà còn tốt cho hệ tiêu hóa.
Chè kho
Chè kho là món được làm từ đậu xanh không vỏ cùng với đường đỏ, nửa trái thảo quả, sấy khô tán nhỏ và rây thành bột mịn và muỗng cafe mè trắng rang chín, xát bỏ vỏ. Với món ăn này thì người Hà Nội xưa thường dùng để cúng Phật và gia tiên. Hình ảnh quen thuộc với mỗi người là chè kho được cắt thành hình hoa thị đi cùng ấm trà sen.
Đây là món ăn cổ truyền thường thấy ở miền Bắc, có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết. Món chè kho với hương vị thơm nồng, ngọt dịu cùng với hương vị đặc trưng khiến người ăn không cảm thấy ngán ngẩm mà còn khó cưỡng trước món ăn hấp dẫn này.
Việc kho chè đòi hỏi phải công phu, kỹ lưỡng. Đỗ và đường khi quyện vào nhau rất nặng tay và dễ bén nồi. Nồi chè sôi lục bục, mùi thơm ngạt ngào, đến khi ráo tay đũa là được. Chè múc ra những chiếc đĩa nông lòng lúc vừa bắc xuống bếp, dàn đều rồi rắc vừng trắng đã rang thơm lên trên. Đĩa chè có màu vàng rất đẹp cùng mùi thơm nhẹ của thảo quả.
Mỗi gia đình nấu chè kho với hương vị theo khẩu vị của mình. Có nhà chè thơm mùi vani, nhà thì chè thoảng mùi thơm của thảo quả, nhà thì lại nấu chè thơm mùi hoa bưởi… Nhiều người cho rằng món chè kho mang lại sự may mắn và sung túc cho năm mới. Chính vì vậy đầu năm người ta thường nấu chè kho để thưởng thức vào ngày Tết.
Lời kết
Ngày nay do cuộc sống bận rộn nên phần lớn các gia đình đều làm giản tiện, rất ít người nấu đủ mâm cỗ như xưa. Tùy theo hoàn cảnh gia đình mà bạn có thể lên thực đơn mâm cỗ Tết khác nhau nhưng vẫn nên có món mặn, món chay và các món ăn kèm khác để Tết thêm trọn vẹn, may mắn.