Rạn da khi mang thai là vấn đề thường gặp, xảy ra ở hơn 70% mẹ bầu. Nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng này là do collagen và elastin bị phá hủy, dẫn đến tình trạng da kém đàn hồi và hình thành các vết rạn. Để cải thiện rạn da, mẹ bầu có thể áp dụng các biện pháp an toàn như chăm sóc da đúng cách, thiết lập lối sống khoa học và áp dụng các mẹo tự nhiên.
Mục lục
Rạn da khi mang thai – Dấu hiệu nhận biết
Rạn da là tình trạng da liễu khá phổ biến, xảy ra chủ yếu ở giai đoạn dậy thì, tăng/ giảm cân đột ngột và trong thời kỳ mang thai. Tình trạng này đặc trưng bởi các vết nứt có màu sắc đa dạng (hồng, đỏ, tím, trắng) và kích thước không đồng nhất.
Rạn da là hệ quả của việc da bị kéo căng và ảnh hưởng do nồng độ cortisol tăng cao đột ngột. Cortisol là hormone được tuyến thượng thận sản xuất có chức năng tăng đường huyết, tăng huyết áp và chống dị ứng. Tuy nhiên, hormone này tăng cao đột ngột (thường do căng thẳng) có thể ức chế quá trình hình thành elastin và collagen trong hạ bì khiến da thiếu độ đàn hồi và dễ hình thành vết rạn khi bị kéo căng.
Thống kê cho thấy, có hơn 70% phụ nữ mang thai bị rạn da. Mức độ rạn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, trọng lượng thai nhi và cơ địa của từng người. Mặc dù không gây đau, ngứa hay khó chịu nhưng rạn da ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ, khiến nữ giới trở nên thiếu tự tin và e ngại.
Dấu hiệu nhận biết rạn da khi mang thai:
- Xuất hiện vết rạn có màu nâu, đỏ, tím hoặc hồng (phụ thuộc vào sắc tố da của từng người) ở vùng bụng, đùi, ngực và bắp tay
- Một số trường hợp có thể bị ngứa nhẹ khi vết rạn mới hình thành
- Vết rạn da thường xuất hiện vào tháng thứ 6 – 7 của thai kỳ
- Theo thời gian, các vết rạn có thể chuyển sang màu trắng bạc
- Rạn da không gây ngứa ngáy, đau nhức hay khó chịu
- Các vết rạn có xu hướng lớn dần hơn khi thai nhi phát triển (khoảng từ tháng thứ 6 – thứ 7)
Nguyên nhân gây rạn da khi mang thai
Nguyên nhân trực tiếp gây rạn da ở mẹ bầu là do collagen và elastin bị đứt gãy (các protein giữ chức năng đàn hồi của da). Tình trạng này khiến da kém săn chắc, cấu trúc lỏng lẻo và dễ hình thành vết rạn khi có tác động.
Ngoài ra, rạn da khi mang thai còn xảy ra do các nguyên nhân gián tiếp như:
1. Hormone thay đổi
Mang thai và sau khi sinh là thời điểm cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi đột ngột – đặc biệt là nồng độ nội tiết tố. Theo các chuyên gia, sự tăng lên đột ngột của hormone estrogen và progesterone trong thời gian mang thai có thể làm giảm độ đàn hồi của da khiến da dễ bị rạn hơn so với bình thường.
Hơn nữa, estrogen tăng lên còn khiến mẹ bầu phải đối mặt với các vấn đề da liễu như da sạm, xỉn màu, tàn nhang và nám da. Bên cạnh đó, hormone này còn khiến các vết rạn có màu sắc đậm hơn.
2. Do cơ địa, di truyền
Thực tế cho thấy, phụ nữ mang thai có mẹ/ chị ruột bị rạn da có nguy cơ bị rạn cao hơn. Nguyên nhân được xác định là do yếu tố di truyền ảnh hưởng đến cấu tạo của làn da. Người có làn da khỏe và độ đàn hồi cao ít có nguy cơ hình thành vết rạn hơn so với người có làn da yếu, mật độ elastin và collagen thưa.
3. Tăng cân quá nhanh
Khi mang thai, phụ nữ phải bổ sung nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên việc ăn uống quá độ có thể khiến cân nặng tăng lên đột ngột, làm kéo căng da ở vùng bụng, ngực, đùi và hông dẫn đến tình trạng rạn da.
Vào 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi phát triển nhanh khiến bụng bầu lớn hơn rõ rệt. Ở giai đoạn này, vùng da bị kéo căng có xu hướng hình thành nhiều vết rạn mới, các vết rạn cũ có thể gia tăng kích thước và màu sắc đậm hơn so với ban đầu.
4. Các yếu tố nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân trên, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị rạn da cao khi có các yếu tố nguy cơ sau:
- Mang thai khi còn quá trẻ hoặc quá lớn tuổi: Thực tế cho thấy, phụ nữ mang thai ở tuổi 18 – 21 hoặc trên 35 tuổi có nguy cơ bị rạn da cao. Nguyên nhân là do cấu trúc da chưa hoàn chỉnh hoặc đang bước sang giai đoạn lão hóa. Chính vì vậy, da dễ bị tổn thương và hình thành vết rạn do sự phát triển của bụng bầu.
- Từng bị rạn da: Mẹ bầu bị rạn da thường có tiền sử rạn da ở tuổi dậy thì hoặc do tăng/ giảm cân đột ngột. Các vết rạn này có xu hướng đậm màu hơn và phát triển về kích thước trong thời gian mang thai.
- Thai nhi quá lớn: Thai nhi quá lớn có thể khiến bụng bầu bị kéo giãn quá mức khiến cho elastin và collagen trong cấu trúc da bị phá vỡ. Lúc này, da có xu hướng hình thành nhiều vết rạn – đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ.
- Lười vận động: Vận động không chỉ tốt cho xương khớp mà còn hỗ trợ cải thiện độ đàn hồi của da và kiểm soát cân nặng. Phụ nữ mang thai lười vận động dễ tăng cân, da chảy xệ, kém đàn hồi và có nguy cơ bị rạn da cao.
- Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng: Các dưỡng chất trong thực phẩm chính có thể kích thích da sản sinh elastin, collagen và tiêu trừ sắc tố melanin. Chính vì vậy nếu mẹ bầu ăn uống thiếu dinh dưỡng, sức khỏe làn da có thể suy yếu dần và dễ hình thành vết rạn khi thai nhi phát triển.
Rạn da khi mang thai có tự hết không?
Rạn da khi mang thai là tình trạng phổ biến và hầu như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, rạn da không thể tự biến mất hoàn toàn. Theo thời gian, các vết rạn ở vùng hông, bụng, đùi, ngực và cánh tay có xu hướng nhạt màu và chuyển sang màu trắng bạc. Mặc dù không thể tự thuyên giảm nhưng rạn da có xu hướng mờ đi rõ rệt nếu áp dụng các phương pháp điều trị.
Các biện pháp xử lý rạn da trong thời gian mang thai
Các vết rạn xảy ra trong thời gian mang thai đa phần là các vết rạn mới. Vì vậy nếu can thiệp và xử lý kịp thời, mẹ bầu có thể làm mờ vết rạn, cải thiện sức khỏe làn da và ngăn ngừa hình thành các vết rạn mới.
Các phương pháp chuyên sâu như sử dụng thuốc bôi chứa Retinoid, lăn kim, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, chemical peeling, laser và phẫu thuật da có hiệu quả cao và mang lại cải thiện rõ rệt trong điều trị rạn da. Tuy nhiên, các phương pháp này hầu hết đều không phù hợp với phụ nữ mang thai.
Chính vì vậy, mẹ bầu nên cân nhắc lựa chọn các phương pháp an toàn để cải thiện vết rạn, đồng thời tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và thai nhi. Dưới đây là một số biện pháp xử lý tình trạng rạn da khi mang thai an toàn mẹ bầu có thể tham khảo.
1. Xây dựng lối sống khoa học
Thiết lập lối sống khoa học là một trong những biện pháp hỗ trợ làm mờ và ngăn ngừa hình thành các vết rạn mới. Hơn nữa, lối sống lành mạnh còn giúp cải thiện sức khỏe làn da, hỗ trợ nâng cao thể trạng và chức năng đề kháng của mẹ bầu.
Lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng rạn da khi mang thai:
- Tăng cân quá nhanh là một trong những nguyên nhân gây rạn da ở mẹ bầu. Vì vậy, mẹ bầu nên điều chỉnh lại lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Chỉ cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cho mẹ và bé, không nên ăn uống và tẩm bổ quá mức.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho làn da như nước, vitamin C, E, Omega 3, Kẽm, chất chống oxy hóa và các axit amin thiết yếu. Các thành phần này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hỗ trợ cải thiện độ đàn hồi của da, hỗ trợ làm mờ vết rạn và kích thích quá trình sản xuất elasin, collagen.
- Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, nước ngọt gas, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị và chất bảo quản. Các loại thực phẩm và thức uống này có thể khiến mẹ bầu tăng cân nhanh và làm tình trạng rạn da trở nên nghiêm trọng hơn.
- Khi thai nhi đã ổn định, mẹ bầu nên tập các bộ môn có cường độ nhẹ như yoga, đi bộ và bơi lội. Hoạt động thể chất giúp giảm các triệu chứng khó chịu trong thai kỳ, cải thiện sức khỏe và giảm đau nhức xương khớp. Đồng thời thúc đẩy tuần hoàn máu, kiểm soát cân nặng và cải thiện độ đàn hồi của da.
- Mẹ bầu nên ngủ nghỉ sớm, tránh thức khuya, làm việc quá sức hoặc căng thẳng thần kinh.
2. Chăm sóc da đúng cách
Các loại kem bôi chứa hoạt chất tổng hợp như BHA và Retinoid không được khuyến cáo dùng trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể sử dụng một số loại kem dưỡng và sản phẩm hỗ trợ lành tính để dưỡng ẩm, làm mềm da và cải thiện các vết rạn.
Ngoài ra trong thời gian này, mẹ bầu cũng cần xây dựng chế độ chăm sóc da khoa học để hạn chế các vấn đề da liễu như sạm nám và tàn nhang.
Chế độ chăm sóc da cho mẹ bầu:
- Dùng kem dưỡng ẩm 2 – 3 lần/ ngày giúp da mềm mượt, ẩm mịn và duy trì được độ đàn hồi. Thực tế cho thấy, mẹ bầu có thói quen dưỡng ẩm da thường xuyên ít hình thành vết rạn hoặc các vết rạn chỉ có kích thước nhỏ, mật độ thưa và màu sắc nhạt.
- Có thể dùng các sản phẩm hỗ trợ phòng ngừa và điều trị rạn da như Bio oil, Palmer’s,… Các sản phẩm này có công thức dịu nhẹ, an toàn và phù hợp với phụ nữ mang thai. Để đạt hiệu quả cao, mẹ bầu nên dùng các sản phẩm hỗ trợ từ tháng thứ 3 thai kỳ và dùng đều đặn đến khi sinh.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Tia cực tím trong ánh nắng có thể khiến vết rạn trở nên đậm màu và có xu hướng phát triển kích thước dần theo thời gian. Hơn nữa, tia UVA còn có thể gây hư hại elastin và collagen trong cấu trúc da.
- Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da (sữa rửa mặt, sữa tắm,…) có thành phần an toàn và dịu nhẹ để bảo vệ làn da, giúp da duy trì độ ẩm và độ đàn hồi.
- Có thể bổ sung viên uống chứa vitamin E khi mang thai để cải thiện độ đàn hồi của da và hạn chế hình thành vết rạn ở bụng. Tuy nhiên trước khi sử dụng, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn về liều lượng và thời gian dùng viên uống. Dùng vitamin E quá liều có thể gây chảy máu bất thường và dị tật bẩm sinh.
3. Trị rạn da khi mang thai với mẹo tự nhiên
Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên để cải thiện vết rạn và phục hồi cấu trúc da. Hầu hết các mẹo tự nhiên đều có độ an toàn cao, không gây ra tác dụng phụ và rủi ro đối với phụ nữ mang thai.
Các mẹo tự nhiên giúp hỗ trợ điều trị rạn da khi mang thai:
- Tinh dầu tự nhiên: Các tinh dầu tự nhiên như dầu ô liu, dầu dừa, dầu argan, dầu bơ,… đều chứa hàm lượng vitamin E và các axit béo dồi dào. Các thành phần này có tác dụng dưỡng ẩm, duy trì làn da mịn màng, đàn hồi và khỏe mạnh. Mẹ bầu có thể massage tinh dầu tự nhiên lên da trong 15 – 20 phút/ ngày để thúc đẩy tuần hoàn máu và làm mờ các vết rạn.
- Dùng nha đam: Nha đam chứa nhiều nước, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Thoa gel nha đam lên vùng da bụng, mông, ngực và bắp tay có thể duy trì độ ẩm của da, hạn chế tình trạng da chảy xệ và hình thành vết rạn khi thai nhi phát triển. Tuy nhiên cách này có tác dụng khá chậm, vì vậy mẹ bầu nên kiên trì thực hiện 2 – 3 lần/ ngày trong suốt thời gian mang thai.
- Xông hơi: Xông hơi thảo dược là một trong những biện pháp giúp cải thiện rạn da khi mang thai an toàn. Mẹ bầu có thể xông hơi với các nguyên liệu tự nhiên từ 10 – 15 phút. Nhiệt độ ấm từ hơi nước giúp lỗ chân lông giãn nở, hỗ trợ làm sạch dầu thừa, bã nhờn tích tụ, thúc đẩy tuần hoàn máu và kích thích da sản sinh collagen. Kết hợp mẹo này cùng với các biện pháp trên có thể giúp mẹ bầu phòng ngừa và làm mờ các vết rạn hiệu quả.
Phòng ngừa rạn da khi mang thai bằng cách nào?
Rạn da là một trong những vấn đề da liễu khó điều trị và hầu như không thể loại bỏ hoàn toàn. Hiện nay, các phương pháp được áp dụng chỉ giúp làm mờ vết rạn và cải thiện bề mặt da. Chính vì vậy, việc chủ động phòng ngừa rạn da khi mang thai là điều cần thiết.
Các biện pháp phòng ngừa rạn da khi mang thai:
- Xây dựng thực đơn ăn uống theo giai đoạn phát triển của thai nhi nhằm hạn chế tình trạng tăng cân quá nhanh.
- Tập thể dục đều đặn (bơi lội, đi bộ, yoga)
- Dưỡng ẩm và chăm sóc da đúng cách, tránh tiếp xúc với ánh nắng và thức khuya trong thời gian mang thai.
- Chủ động thoa kem dưỡng ẩm và các sản phẩm ngăn ngừa rạn da từ tháng thứ 3 thai kỳ.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái và tâm lý vui vẻ.
Rạn da khi mang thai là tình trạng khá phổ biến. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này tác động không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ. Chính vì vậy, mẹ bầu nên chủ động phòng ngừa và can thiệp điều trị ngay khi vết rạn mới hình thành.