Những cách điều trị nang Naboth cổ tử cung – có tự khỏi được không?

Nang naboth cổ tử cung (hay còn gọi là u nang naboth – Nabothian cysts) là bệnh lý tử cung ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng sinh sản của người phụ nữ. Đây là bệnh lý phụ khoa lành tính, phổ biến, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tuy nhiên nếu không kịp thời điều trị nang Naboth cổ tử cung sẽ để lại những hậu quả khó lường.

Những cách điều trị nang Naboth cổ tử cung - có tự khỏi được không?
Những cách điều trị nang Naboth cổ tử cung – có tự khỏi được không?

Nguyên nhân gây nang Naboth cổ tử cung

Nang Naboth cổ tử cung là những u nang nhỏ hình thành trên bề mặt cổ tử cung – nơi kết nối giữa âm đạo với tử cung. Nang Naboth có kích thước khá nhỏ (cỡ hạt gạo hay hạt đậu), có thể phát triển to ra theo thời gian và mức độ phát triển của bệnh.

Nang thường có màu trắng hoặc vàng, mặt nhẵn nhụi. Nang Naboth tử cung thuộc dạng tổn thương lành tính, không gây đau đớn và ít ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân nên rất khó nhận biết, thường bệnh lý này được phát hiện khi bệnh nhân khám tổng quát hay khám phụ khoa.

Nguyên nhân hình thành nang Naboth cổ tử cung gồm:

  • Tắc nghẽn tuyến chảy: Đây là tình trạng lớp tế bào biểu mô lát phát triển quá mức bao trùm lên trên biểu mô tuyến ngay ở chỗ giáp ranh mối nối cổ tử cung. Khi biểu mô cổ tử cung tiết dịch, chất nhầy này bị tắc nghẽn không có chỗ thoát nên tích tụ lại và căng phình ra tạo thành nang.
  • Viêm nhiễm cổ tử cung: Một số biến chứng từ việc nạo phá thai nhiều lần, nạo phá thai không an toàn sẽ gây tổn thương và viêm nhiễm cổ tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm và nhiễm trùng, các tế bào sẽ được sinh mới và tắc nghẽn tạo ra u nang.
  • Tổn thương vùng kín: Điều này xảy ra khi vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Ngoài ra việc quan hệ tình dục thiếu an toàn làm cho virus xâm nhập sâu gây tổn thương âm đạo và cổ tử cung. Sau những tổn thương này, các tế bào cổ tử cung sẽ tăng sinh làm cho chất nhầy bị tắc nghẽn dẫn đến hình thành nang Naboth.
  • Phụ nữ sau sinh: Trong quá trình sinh nở, các tế bào niêm mạc sẽ phát triển nhanh hơn bình thường làm tắc nghẽn tuyến này, từ đó hình thành nang Naboth cổ tử cung.

    Tổn thương vùng kín là biểu hiện của bệnh lý nang Naboth
    Tổn thương vùng kín là biểu hiện của bệnh lý nang Naboth

Nang Naboth có tự khỏi không?

Nang Naboth sẽ tự tiêu biến không cần phải điều trị nếu có số lượng ít và kích thước u nang nhỏ. Tuy nhiên, nếu nang Naboth có số lượng nhiều, kích thước lớn có thể vỡ ra, gây đau đớn, khó chịu và để lại những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Vì thế nên thường xuyên kiểm tra tổng quát, khám phụ khoa để sớm phát hiện bệnh lý.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh, phương án điều trị bệnh (nếu có) khi phát hiện mình mắc phải u nang Naboth để đảm bảo sức khỏe và không để lại các biến chứng sau này. (2)

Biến chứng nếu không chữa trị Naboth tử cung kịp thời

Naboth cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ để lại nhiều biến chứng, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất, cuộc sống sinh hoạt bình thường của người bệnh mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng như:

  • Gây tổn thương cổ tử cung: Các khối nang phát triển lớn gây biến dạng cổ tử cung, làm sai lệch về hình dáng, kích thước của tử cung. Ngoài ra, chúng có thể bị nứt vỡ, gây viêm loét, viêm nhiễm nghiêm trọng ở cổ tử cung.
  • Nhiễm trùng phụ khoa: Các nang ở vùng cổ tử cung có thể bị vỡ làm cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào gây viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu. Những trường hợp nghiêm trọng cần phải được điều trị bằng kháng sinh hoặc can thiệp y tế ngay.
  • Đau bụng kinh: Cơn đau bụng dữ dội xuất hiện thường xuyên ở trước và trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của phụ nữ.
  • Giảm khả năng mang thai khi mắc nang naboth: Các nang bị vỡ gây viêm nhiễm phụ khoa, viêm vòi trứng và tắc nghẽn vòi trứng,… làm thay đổi cấu trúc, chức năng của cổ tử cung và tử cung, ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ thai của phụ nữ. Nếu thụ thai thành công cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi trong bụng mẹ.

    Đau bụng kinh là một trong những biến chứng nếu không chữa trị Naboth cổ tử cung kịp thời
    Đau bụng kinh là một trong những biến chứng nếu không chữa trị Naboth cổ tử cung kịp thời

Cách điều trị nang Naboth cổ tử cung

Hiện nay có nhiều cách chữa nang Naboth cổ tử cung, chủ yếu là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa với các phương pháp:

1. Thuốc

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để điều trị nang Naboth khi bệnh lý không nghiêm trọng, u nang còn nhỏ (kích thước khoảng 10mm trở xuống) với số lượng ít, chưa gây ra các biến chứng. (3)

Các loại thuốc được sử dụng thường là thuốc kháng sinh và tiêu viêm giúp làm teo dần các nang và loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi cơ thể, giữ nguyên hình dáng, cấu trúc của tử cung cũng như không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và mang thai của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thêm thuốc paracetamol hoặc ibuprofen để giảm các triệu chứng đau nhức trong quá trình điều trị.

Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị nang Naboth cổ tử cung
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị nang Naboth cổ tử cung

2. Chọc hút dịch

Chọc hút dịch là phương pháp điều trị ngoại khoa can thiệp từ bên ngoài vào khối u khi nang Naboth có kích thước lớn dần, liên kết thành từng cụm và bắt đầu có biểu hiện đau nhức, gây khó chịu cho bệnh nhân.

Để thực hiện quá trình chọc hút dịch, bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ để lấy chất dịch lỏng ở bên trong nang ra ngoài. Sau đó, người bệnh sẽ được kê thêm thuốc giảm đau và chống viêm giúp vết thương nhanh lành hơn. Quá trình thực hiện cuộc tiểu phẫu này diễn ra nhanh chóng và ít gây đau cho bệnh nhân.

3. Đốt điện

Đốt điện cũng là phương pháp điều trị ngoại khoa được nhiều bệnh nhân lựa chọn để điều trị nang Naboth cổ tử cung. Đốt nang naboth cổ tử cung là phương pháp an toàn, không gây đau rát, chảy máu khi tiến hành thủ thuật, ít để lại sẹo cũng như hạn chế tình trạng tổn thương tử cung của bệnh nhân.

Với phương pháp này, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ, sau đó bác sĩ sẽ dùng thiết bị đốt điện có đầu nhỏ đưa vào cổ tử cung bệnh nhân thông qua âm đạo và tiến hành đốt các nang. Sau khi đốt xong, các vết đốt này sẽ được bong ra nhanh chóng nhờ lực co bóp của cổ tử cung.

4. Đốt lạnh

Phương pháp này bác sĩ dùng một vòi phun chuyên dụng dẫn vào cổ tử cung của bệnh nhân, sau đó dùng khí nitơ lỏng hoặc CO2 để đông cứng các khối u, rồi tiến hành loại bỏ chúng trong cổ tử cung. Điều trị bằng cách này có thể gây ra tổn thương cổ tử cung nếu bác sĩ thực hiện thủ thuật chưa có nhiều chuyên môn và kỹ thuật. (4)

Bệnh có tái phát lại không?

Bệnh nang Naboth cổ tử cung vẫn có thể bị tái phát sau khi bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến việc tái phát bệnh là do: Khi thực hiện điều trị bệnh bằng phương pháp nội khoa (sử dụng thuốc) hay ngoại khoa (chọc hút dịch, đốt điện, đốt lạnh) thì các phương pháp này chỉ có tác dụng làm nang tiêu biến khỏi cơ thể, không có tác dụng điều trị hay phòng ngừa các nguyên nhân gây ra bệnh lý này.

Vì thế, sau khi điều trị khỏi u nang Naboth, bệnh nhân cần tuân theo những dặn dò của bác sĩ, thực hiện tốt các kiêng cữ, chăm sóc sức khỏe bản thân và có lối sống lành mạnh để hạn chế tình trạng bệnh tái phát.

Cách chăm sóc cho bệnh nhân sau khi điều trị nang Naboth

Sau khi điều trị nang Naboth, bệnh nhân cần lưu ý chăm sóc tốt sức khỏe của mình để cơ thể khỏe mạnh, hạn chế tái phát bệnh.

Ăn uống đầy đủ chất sẽ giúp bạn bảo vệ tốt sức khỏe, phòng tránh bệnh Naboth cổ tử cung
Ăn uống đầy đủ chất sẽ giúp bạn bảo vệ tốt sức khỏe, phòng tránh bệnh Naboth cổ tử cung
  • Chăm sóc sức khỏe định kỳ: Tái khám định kỳ theo lời dặn của bác sĩ, thực hiện kiểm tra tổng quát, thăm khám toàn bộ tử cung trong các lần khám, đảm bảo phát hiện và điều trị kịp thời các nguyên nhân gây bệnh và tái phát bệnh.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Xây dựng chế độ ăn uống khoa học (ăn uống đúng giờ, đủ bữa, đa dạng khẩu phần ăn mỗi ngày, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể), có lối sống lành mạnh (không thức khuya, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…).
  • Quan hệ tình dục an toàn: Vệ sinh vùng kín đúng cách trước và sau khi quan hệ, sử dụng các biện pháp an toàn và ngừa thai để bảo vệ vùng kín khỏi những tổn thương do viêm nhiễm và vi khuẩn gây ra.
  • Bảo vệ cổ tử cung, tránh gây những thương tổn lên tử cung và cổ tử cung bằng cách hạn chế nạo, hút thai, tránh sử dụng các dụng cụ cứng để làm sạch vùng tử cung khi không cần thiết, không có chỉ định từ bác sĩ.
Tóm lại, đây là bệnh lý không quá nguy hiểm, có thể phòng tránh, điều trị nang naboth cổ tử cung và phục hồi sức khỏe nhanh chóng nếu được phát hiện sớm, tuân thủ đầy đủ pháp đồ trị liệu của bác sĩ.