Tiêm trưởng thành phổi là gì? Có tác dụng gì? Tại sao phải tiêm?

Ở những mẹ bầu có nguy cơ sinh non, bác sĩ sẽ khuyến cáo tiêm trưởng thành phổi cho thai nhi. Phương pháp này giúp tăng tỷ lệ sống sót và giảm nguy cơ gặp các biến chứng, bệnh lý nguy hiểm về hô hấp cho em bé sơ sinh.

Tiêm trưởng thành phổi là gì?

Tiêm trưởng thành phổi trước sinh là phương pháp tiêm corticosteroid (một dạng tổng hợp của hormone tự nhiên cortisol) cho thai phụ. Sau tiêm, thuốc sẽ di chuyển vượt qua hàng rào bánh nhau, đến phổi của trẻ qua đường máu, đẩy nhanh tốc độ phát triển phổi của thai nhi, từ đó tăng cơ hội sống sót của trẻ khi chào đời.

Tiêm trưởng thành phổi là gì?
Tiêm trưởng thành phổi là gì?

Trẻ sinh càng non tháng, khả năng mắc các vấn đề về sức khỏe càng cao. Liệu pháp corticosteroid trước sinh sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng về hô hấp, xuất huyết não và vấn đề phát triển sau này. Một số nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH – Mỹ) đã chỉ ra lợi ích của phương pháp này như sau:

  • Tăng cơ hội sống sót cho trẻ sinh non, thêm 3%.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp nghiêm trọng ở trẻ sinh non (loạn sản phế quản, bệnh phổi mãn tính,…) xuống còn 12%.
  • Giảm nguy cơ xuất huyết não ở trẻ sinh non xuống thêm  6%.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng về đường ruột (viêm ruột hoại tử) xuống còn khoảng 3%.

1. Các loại thuốc tiêm trưởng thành phổi

Betamethasone và Dexamethasone hiện đang là hai loại thuốc corticosteroid được khuyến cáo sử dụng trong tiêm ttp do chúng không bị chuyển hóa bởi các enzyme của nhau thai. Mỗi loại thuốc sẽ có những ưu điểm riêng. Dựa vào tình trạng cụ thể của cả thai phụ và thai nhi, bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp.

Phương pháp tiêm trưởng thành phổi được cân nhắc thực hiện ở những thai phụ có nguy cơ sinh non.
Phương pháp tiêm ttp được cân nhắc thực hiện ở những thai phụ có nguy cơ sinh non.

2. Thời gian tiêm trưởng thành phổi

Kỹ thuật tiêm trưởng thành phổi được thực hiện cho mẹ bầu từ tuần thứ 24 đến 33 tuần 6 ngày của thai kỳ, bao gồm cả ở những thai phụ đa thai, vỡ ối sớm chưa có dấu nhiễm trùng ối.

Ngoài ra, phương pháp này có thể được cân nhắc thực hiện ở những thai phụ từ 23 tuần có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày, tùy thuộc vào quyết định của thai phụ và gia đình, không kể đến trường hợp vỡ ối sớm, hoặc số lượng thai.

Theo các nghiên cứu hiện nay, khuyến cáo tiêm một đợt Betamethasone cho thai phụ từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày nếu thai kỳ có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày và chưa được điều trị corticosteroid trước đó. (2)

3. Được tiêm bao nhiêu đợt trưởng thành phổi trong thai kỳ?

Thông thường, thai phụ sẽ được chỉ định một đợt điều trị (gồm 2 mũi tiêm) nếu có nguy cơ sinh non và chưa có bất kỳ đợt điều trị corticosteroid trước đó.

Ở những thai phụ dưới 34 tuần có nguy cơ sinh non trong 7 ngày, cân nhắc thực hiện thêm một đợt điều trị nếu đợt điều trị corticosteroid trước đó đã hơn 14 ngày. Không khuyến cáo thực hiện nhiều hơn 2 đợt điều trị.

Tại sao phải tiêm trưởng thành phổi?

Từ tuần thai thứ 24, các tế bào phế nang loại II bắt đầu sản xuất Surfactant – chất hoạt động bề mặt phổi, giúp tăng độ giãn nở của phổi, giảm sức căng bề mặt của lớp dịch phế nang và ngăn ngừa xẹp phổi. Quá trình sản xuất này kéo dài đến khi thai nhi 32 tuần tuổi mới đạt đủ số lượng Surfactant để phổi trưởng thành.

Do đó, ở những em bé sinh non trước 32 tuần tuổi sẽ thường gặp hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi là bệnh màng trong). Nguy cơ mắc bệnh màng trong càng cao khi tuổi thai càng thấp. Phương pháp tiêm corticosteroid giúp phổi trưởng thành theo nhiều cơ chế:

  • Tăng chuyển đổi phế bào loại I thành phế bào loại II;
  • Tăng tổng hợp và giải phóng Surfactant;
  • Tăng thể tích phổi;
  • Giảm lượng chất lỏng bên trong phổi.

Nhờ các tác động nêu trên, liệu pháp Corticosteroid giúp giảm nguy cơ suy hô hấp ở trẻ non tháng.

>>>Có thể bạn chưa biết: Biến chứng khi tiêm trưởng thành phổi?

Chỉ định tiêm trưởng thành phổi khi nào?

Trung bình, thai nhi cần ít nhất 37 tuần tuổi để có thể phát triển đầy đủ các cơ quan trong cơ thể, thích ứng với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Trẻ sinh trước 37 tuần thai được gọi là trẻ sinh non. Khi trẻ sinh càng non, nguy cơ gặp biến chứng sinh non, đặc biệt là suy hô hấp sẽ càng cao.

Khi thai phụ có dấu hiệu dọa sinh non ở tuần thai từ 24 đến 34 tuần, việc tiêm ttp sẽ được chỉ định.

Tiêm trưởng thành phổi giúp tăng cơ hội sống sót khỏe mạnh cho trẻ sinh non.
Tiêm trưởng thành phổi giúp tăng cơ hội sống sót khỏe mạnh cho trẻ sinh non.

Tác dụng phụ của mũi tiêm trưởng thành phổi

Phần lớn các trường hợp tiêm ttp cho trẻ sinh non không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào cũng như không tạo ra sự khác biệt rõ ràng nào về sự tăng trưởng, phát triển trong thời thơ ấu và ở tuổi trưởng thành so với trẻ sinh non không thực hiện phương pháp này. Một số trẻ được tiêm 2 mũi steroid có thể có cân nặng khi sinh nhỏ hơn so với trẻ được tiêm 1 mũi, tuy nhiên trẻ sẽ nhanh chóng bắt kịp các bé cùng độ tuổi chỉ sau vài tháng.

Theo một số nghiên cứu, trẻ sinh đủ tháng (sau 37 tuần) có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần về sau nếu chúng được tiêm steroid trong khoảng tuần 22 đến 37 thai kỳ. Tiêm ttp khi thai được hơn 35 tuần có thể dẫn đến tình trạng đường huyết thấp cho trẻ lúc mới sinh.

Sau tiêm, mẹ bầu có thể cảm thấy đau nhẹ tại vị trí tiêm. Trường hợp mẹ bầu bị tiểu đường (trước hoặc trong thai kỳ), thuốc steroid có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu, mẹ bầu có thể cần nhập viện để theo dõi và điều chỉnh đường huyết bằng insulin bổ sung.

Tương tự, phương pháp tiêm trưởng thành phổi cũng không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nào cho mẹ bầu. Khoảng 1% thai phụ tiêm 2 mũi steroid bị rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh rối loạn giấc ngủ là do thuốc steroid gây ra, bởi tình trạng này vẫn xảy ra ở nhiều phụ nữ sau mang thai và sinh non nhưng không dùng steroid.

Giá tiêm trưởng thành phổi

Tùy vào địa chỉ thăm khám sức khỏe, dịch vụ tiêm và loại thuốc tiêm ttp, chi phí tiêm có thể có sự chênh lệch giữa các cơ sở tiêm. Do đó, để biết chính xác chi phí tiêm ttp, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tư vấn phù hợp.

Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về kỹ thuật tiêm ttp cho thai nhi:

1. Tiêm trưởng thành phổi bao lâu có tác dụng?

Theo kết luận của Viện Y tế Quốc gia (NIH – Mỹ), năm 1994, khoảng 24 giờ đến 7 ngày sau điều trị, lợi ích tối ưu của phương pháp tiêm trưởng thành phổi được ghi nhận. Tuy nhiên, nếu trẻ được sinh ra muộn hơn, sau 7 ngày điều trị, lợi ích của liệu pháp corticosteroid trước sinh có thể bị giảm xuống đáng kể. Vậy nên, việc lựa chọn thời điểm thực hiện tiêm corticosteroid phù hợp là vô cùng quan trọng.

2. Có nên tiêm trưởng thành phổi không?

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ cân nhắc có nên thực hiện tiêm trưởng thành phổi không, cũng như lựa chọn loại thuốc tiêm phù hợp nếu tiến hành tiêm. Do đó, nếu có dấu hiệu bất thường, dọa sinh non hay thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phù hợp. Việc quyết định tiêm hay không sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của gia đình và thai phụ.

3. Tiêm trưởng thành phổi có tốt không?

Có. Tiêm trưởng thành phổi mang lại nhiều lợi ích đối với trẻ sinh non, suy dinh dưỡng. Dưới tác dụng của thuốc, phổi và một số cơ quan khác phát triển tối ưu hơn, từ đó có thể đảm bảo được các chức năng sau khi chào đời. Tỷ lệ mắc biến chứng do sinh non giảm. Cơ hội sống sót sau sinh tăng.

Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về phương pháp tiêm trưởng thành phổi. Phương pháp được thực hiện ở các trường hợp thai phụ có nguy cơ sinh non và có chỉ định của bác sĩ nhằm giảm biến chứng sinh non, mang đến cơ hội khỏe mạnh cho trẻ sinh non.