Ngày 25/7 vừa qua, Bộ trường Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký thông tư 31, chính thức ban hành danh mục các loại hàng hóa sản phẩm thuộc quyền quản lý của Bộ có nguy cơ mất an toàn, thay thế cho thông tư 44/2011/TT-BYT ngày 6/12/2011. Nội dung chính của 31/2017/TT-BYT nhằm bổ sung vào danh sách của thông tư số 44 một số dụng cụ y tế trước đây chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ dẫn đến xuất hiện hàng loạt các sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng về mặt sức khỏe cho người tiêu dùng.
Bao cao su và các chất bôi trơn là một trong những sản phẩm hàng hóa mới được bổ sung trong thông tư 31/2017/TT-BYT. Đối với người tiêu dùng, có thể nói thông tư này là một tin vui, bởi sức khỏe và quyền lợi của chúng ta đã được quan tâm ngay từ các cơ quan chức năng cấp bộ.
Năm 2015, khi đội quản lý thị trường số 14 (chi cục QLTT Hà Nội) phát hiện và thu giữ xấp xỉ 700.000 chiếc bao cao su không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đã dấy lên nỗi quan ngại về quy định kiểm soát chất lượng bao cao su trước khi được đưa ra thị trường. Tại sao những sản phẩm không hề có giấy tờ, hóa đơn chứng từ hay chứng nhận chất lượng nào lại được dán nhãn mác những hãng bao cao su nổi tiếng để lưu hành trên thị trường một cách dễ dàng như thế?
Từ phía các đơn vị sản xuất, nhập khẩu bao cao su có thương hiệu lớn, hàng giả/nhái là một trong những bài toán gây đau đầu trong nhiều năm gần đây. Bao cao su nhái thương hiệu có chi phí sản xuất thấp hơn do cắt giảm được các chi phí kiểm định chất lượng. Giá đầu vào thấp khiến cho chiết khấu đại lý và nhà thuốc thường chênh lệch với sản phẩm chính hãng từ 1,5 – 2 lần. Thực tế đã chứng minh rằng rất nhiều các đơn vị bán lẻ đã bất chấp sự an toàn của người dùng vì mục tiêu lợi nhuận, dẫn đến những hậu quả khó lường do sản phẩm không đạt yêu cầu như được thiết kế.
Hình ảnh từ bài viết: Bao cao su giả, hiểm họa thật
Trở lại với thông tư 31, xiết chặt quy trình kiểm soát chất lượng bắt buộc các sản phẩm bao cao su muốn được lưu hành trên thị trường buộc phải đáp ứng hệ tiêu chuẩn ISO 4074:2002 (tương ứng với TCVN 6342:2007) và WHO 2003, bao gồm các bài kiểm tra về:
+ Kích thước,
+ Thể tích và áp suất nổ,
+ Chất bôi trơn,
+ Màu sắc và độ trong,
+ Bao gói,
+ Đóng hộp…
Các sản phẩm xuất hiện trên thị trường bắt buộc phải nộp đơn đăng ký lưu hành qua cơ quan quản lý thị trường, trong đó đã bao gồm chứng chỉ về chất lượng do Bộ Y Tế cung cấp.
Mặt khác, việc đưa bao cao su vào danh mục hàng hóa sản phẩm có nguy cơ mất an toàn sẽ khiến các cơ sở nhập bao su chất lượng thấp rồi đóng nhãn mác giả khó có cơ hội hoạt động tự do như trước. Lý do bởi thông tư 31 có quy định rất chặt chẽ khâu xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm. Tùy theo mức độ, các cá nhân và tổ chức vi phạm sẽ bị xử phát hành chính tối đa 5 lần giá trị lô hàng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông tư 31 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2017. Hy vọng rằng, song song cùng việc xiết chặt khung luật quản lý chất lượng, Bộ Y tế sẽ có thêm các hoạt động phối hợp cùng các cơ quan chức năng để tiến hành rà soát thị trường và có động thái sàng lọc các sản phẩm vẫn được kinh doanh. Đó sẽ là bước tiến lớn trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Xem chi tiết thông tư 31/2017/TT-BYT tại đây: TT31BYT_25072017_ban hanh danh muc sp