Những câu hỏi cần biết đáp án trước khi kết hôn

Hôn nhân là kết quả của tình yêu đẹp sau khi cả hai đã đi với nhau một chặng đường dài. Nghe thì có vẻ màu hồng nhưng làm sao duy trì được hạnh phúc sau đó mới là vấn đề cần bàn tới. Hôn nhân không phải chỉ là câu chuyện của hai người và đằng sau đó là rất nhiều vấn đề nảy sinh. Để chắc chắn rằng bạn đã sẵn sàng tiến tới hôn nhân, hãy trả lời được các câu hỏi sau đây nhé!

Những câu hỏi cần biết đáp án trước khi kết hôn
Những câu hỏi cần biết đáp án trước khi kết hôn

1. Hai bạn đã có đủ thời gian tìm hiểu nhau chưa?

Có rất nhiều cặp vợ chồng quen nhau và lấy nhau chỉ vỏn vẹn trong vài tháng. Thực sự, bạn cảm thấy mình có đủ thời gian để hiểu đối phương hay chưa? Bạn đã biết được công việc họ làm, bố mẹ như thế nào, tính cách ra sao hay chưa? Nếu bạn không tìm hiểu kỹ dễ “vỡ” mộng sau khi lấy nhau đấy. Bạn hãy cho cả hai thêm thời gian để tìm hiểu nhau nhiều hơn, đừng nóng vội vì hôn nhân là chuyện quan trọng cả đời.

2. Lí do bạn muốn kết hôn là gì?

Bạn muốn tiến tới hôn nhân vì bạn yêu thương, muốn chia sẻ buồn vui, muốn cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc với họ hay chỉ đơn giản là bạn muốn có một đám cưới giống như người ta. Thậm chí bạn kết hôn chỉ vì để tránh những lời ra tiếng vào từ gia đình, hàng xóm,… hay để bạn quên đi người cũ. Nếu bạn kết hôn chỉ vì như thế, thì cuộc hôn nhân này đã quá sai rồi đấy bạn ạ. Sau kết hôn bạn sẽ nhận thấy hối hận và nói rằng “giá như” thì lúc đấy liệu có còn kịp không?

3. Bạn đã chấp nhận từ bỏ cuộc sống độc thân hay chưa

Kết hôn là bạn có thêm một gia đình nhỏ và thêm mối quan hệ gia đình hai bên nữa, buộc bạn phải có trách nhiệm với những lựa chọn của mình. 

Khi ấy những cuộc vui chơi, du lịch, la cà cùng bạn bè sẽ phải hạn chế để nhường chỗ cho những thứ ưu tiên quan trọng hơn. Nói cách khác bạn sẽ phải dành thời gian cho gia đình của mình nhiều hơn, những sở thích, thói quen sẽ phải xếp lại. Bạn cũng phải biết giữ khoảng cách với những người bạn khác giới trước đây nữa đấy!

4. Tiền bạc sẽ được quản lý thế nào?

Tài chính là vấn đề không thể không nhắc đến sau khi cưới. Thực tế chứng minh rằng có đến 40% các cặp vợ chồng xảy ra cãi vã vì tiền bạc, thậm chí là  ly hôn. Bạn phải thừa nhận rằng cuộc sống hôn nhân bây giờ không phải chỉ là “một túp lều tranh hai quả tim vàng” hay “chỉ cần ta yêu nhau là đủ”.

Tài chính sau khi kết hôn
Tài chính sau khi kết hôn

Nếu hai bạn xác định đến với nhau thì hãy rõ ràng về chuyện tiền nong, ai sẽ là trụ cột chính trong gia đình, tiền bạc vợ/chồng ai sẽ là người giữ hay tiền của ai người ấy tiêu, hai bạn sẽ chi tiêu như thế nào cho hợp lý. Hai bạn hãy ngồi lại và thống nhất quan điểm cùng nhau, để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. 

5. Dự định bao giờ sẽ có con

Con cái là kết quả của hôn nhân, vì thế bạn cũng cần phải có kế hoạch rõ ràng cho việc có con sắp tới. Bạn muốn có con trước khi cưới hay sau khi cưới, nếu sau cưới thì là bao giờ, liệu ý của đối phương như thế nào? Có rất nhiều cặp đôi lựa chọn có con sau 2-3 năm sau khi kết hôn, bởi lẽ họ muốn kinh tế vững vàng và tận hưởng khoảng thời gian sau khi cưới rồi mới tính tới chuyện sinh con. 

Tuy con cái là lộc trời cho, thế những việc bạn sinh một đứa trẻ ra mà không lo nổi cho nó thì thật đáng trách. Một đứa trẻ được sinh ra và nuôi không hề đơn giản.  Vì vậy hãy có con khi cả hai bạn đã sẵn sàng cả về tinh thần lẫn tài chính nhé!

Kế hoạch sinh con
Kế hoạch sinh con

6. Nhà cửa

Sau kết hôn hai bạn sống ở quê hay vẫn ở trên thành thị. Ở quê thì vấn đề nhà cửa không phải bàn nữa, nhưng nếu hai bạn có công việc trên này thì buộc phải đi thuê nhà hoặc là mua nhà. Vợ chồng bạn không thể mãi đi thuê nhà được, nó rất bất tiện cho cuộc sống sau này. Vậy giải pháp đưa ra là gì? Hai bạn sẽ mua nhà trong vòng bao lâu nữa, mua chung cư hay nhà mặt đất và mua theo hình thức nào để phù hợp với tài chính của hai. 

Có nhiều lý do khiến nhiều cặp đôi ngại đề cập tới vấn đề này hoặc đưa ra thảo luận trước khi cưới. Khi bạn đưa ra vấn đề này mà đối phương nhiều lần lơ đi và có ý không muốn đề cập đến. Hoặc trả lời bằng những câu xanh rờn “Em/anh chúng ta đừng nói nữa được không, chỉ cần yêu nhau mọi thứ điều giải quyết hết”. Trong trường hợp như vậy, bạn nên xem lại mối quan hệ này, liệu hai bạn thật sự hiểu nhau chưa?

7. Sống chung với bố mẹ chồng hay ra ở riêng

Người ta thường hay nói với con gái “lấy nhau đâu chỉ lấy mỗi mình chồng mà lấy cả gia đình nhà chồng nữa”. Điều này thật sự rất đúng đối với những nước châu Á, phong tục “uống nước nhớ nguồn”, việc làm tròn chữ hiếu khi bố mẹ già yếu. Vì vậy nhiều gia đình khi con trai đã lấy vợ thường bắt ở chung để phụng dưỡng bố mẹ.

Khi hai bạn chuẩn bị lấy nhau hãy thống nhất xem sau này có ở chung với bố mẹ chồng  hay ở riêng. Nếu bạn không thích ở chung cũng đừng ngần ngại, hãy nói ra suy nghĩ của mình bởi mối quan hệ “mẹ chồng- nàng dâu” chắc hẳn cũng không hề dễ dàng gì. Người thật lòng yêu bạn sẽ hiểu và cảm thông cho bạn. 

Kết luận 

Yêu nhau thì đơn giản để có thể đi đến với nhau tới cuối con đường mới khó. Chúng ta lựa chọn kết hôn vì chúng ta hi vọng có thêm một người nữa để yêu thương, an ủi, vỗ về, bên cạnh chúng ta mỗi tối để chúng ta yên giấc hơn. Hơn thế nữa, hôn nhân là sự vun đắp bằng tình yêu và trách nhiệm của cả hai. Vậy nên, bạn cũng đừng sợ mà không dám kết hôn, biết đâu kết hôn bạn sẽ trưởng thành lên rất nhiều thì sao! Chúc các bạn có đủ tự tin và hành trang để bước vào cuộc sống của một gia đình nhỏ!

Xem thêm: Những nguyên tắc để có một tình yêu bền vững