Cẩm nang chuẩn bị trước khi đi tiêm vắc xin COVID-19

Cả nước đang diễn ra một đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay để ngăn ngừa sự lan rộng của đại dịch COVID-19. Vì vậy, Golden Choice muốn tổng hợp những thông tin cần thiết để giúp bạn an tâm hơn cho việc chích ngừa vắc xin COVID-19 này.

Bên cạnh thông điệp 5K của Bộ Y tế, chích vắc xin đang là cách phòng lây lan COVID-19 hữu hiệu hiện nay. Thế nhưng, SARS-CoV-2 là một loại virus nguy hiểm khiến hơn 1 triệu ca nhiễm và nghìn  ca tử vong tại Việt Nam. Trước tình hình này, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy lo lắng về việc chích vắc xin. Để giải tỏa bớt nỗi lo này, bạn hãy xem những giải đáp như dưới đây nhé.

Hiện đang có bao nhiêu loại vắc xin?

Câu hỏi này được đặt ra nhằm giúp bạn nắm rõ loại vắc xin mình sắp được chích là loại nào, dùng công nghệ gì hoặc biết được các loại trên thế giới và tại Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm.

Vắc xin sử dụng toàn virus

Các loại vắc xin: Sinopharm (TQ), Sinovac (TQ)

Số liều cần thiết: 2 liều, tiêm bắp

Các vắc xin được cấp phép khác sử dụng loại công nghệ này: Viêm gan A, bại liệt, bệnh dại…

Điều cần biết: Vắc xin này sử dụng virus COVID-19 đã bị suy yếu hoặc vô hiệu hóa để kích hoạt khả năng miễn dịch bảo vệ cơ thể.

Ưu điểm: Theo GAVI, Liên minh toàn cầu về  vắc xin và tiêm chủng, ưu điểm của loại vắc xin này là công nghệ của nó đã được thiết lập tốt, phù hợp với những người có hệ miễn dịch bị tổn thương và quy trình sản xuất tương đối đơn giản.

Nhược điểm: Có thể cần phải tiêm nhắc

Vắc xin sử dụng RNA hoặc mRNA

Các loại vắc xin: Pfizer – BioNTech (Mỹ), Moderna (Mỹ)

Số liều cần thiết: 2 liều, tiêm bắp

Các vắc xin được cấp phép khác sử dụng loại công nghệ này: Không có

Điều cần biết: Vắc xin này sử dụng một phần cụ thể của virus mà hệ thống miễn dịch có thể nhận biết và kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Ưu điểm: Theo Tổ chức PHG của Đại học Cambridge, lợi ích của loại vắc xin này là an toàn vì không có các thành phần sống, không có nguy cơ gây ra bệnh do vắc xin gây ra, độ tin cậy và sản xuất tương đối đơn giản.

Nhược điểm: Các tác dụng không mong muốn (như phản ứng miễn dịch ngoài ý muốn), các vấn đề về bảo quản.

Vắc xin sử dụng vector virus

Các loại vắc xin: AstraZeneca (Anh), Sputnik V (Nga).

Số liều cần thiết: 2 liều, tiêm bắp

Các loại vắc xin được cấp phép khác sử dụng loại công nghệ này: Ebola

Những điều cần biết: Sử dụng một loại virus an toàn làm trung gian chuyên chở các thành phần của virus gây bệnh để nó có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Ưu điểm: Vắc xin này cũng được sử dụng công nghệ tốt, có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Nhược điểm: Việc tiếp xúc với vector trước đây có thể làm giảm hiệu quả, cộng với loại vắc xin này được sản xuất tương đối phức tạp so với những loại khác.

Subunit protein

Các loại vắc xin: Novavax (Mỹ)

Số liều cần thiết: 2 liều, tiêm bắp

Các loại vắc xin được cấp phép khác sử dụng loại công nghệ này: Viêm gan B, bệnh viêm màng não mô cầu, bệnh phế cầu khuẩn, bệnh zona

Điều cần biết: Vắc xin này chứa các “mảnh” mầm bệnh đã được tinh chế chứ không phải toàn bộ mầm bệnh để kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Ưu điểm: Vắc xin được áp dụng công nghệ tốt, tạo ra miễn dịch mạnh, ít phản ứng phụ.

Nhược điểm: Loại vắc xin này tương đối phức tạp để sản xuất và có thể cần bổ sung và tiêm nhắc lại.

Tại sao cần phải có vắc xin Việt?

Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã tiếp cận được khoảng 120 triệu liều vắc xin, nhưng đến nay mới nhận được khoảng 2,8 triệu liều, hết tháng 7 nhận thêm 5 triệu liều nữa, mới đủ cho khoảng 12% dân số có chỉ định tiêm ngừa. Trong khi nếu chưa tiêm ngừa đủ, sẽ rất khó khăn khi quay trở lại đời sống bình thường.

Đại diện Bộ Y tế cũng chia sẻ các nhà cung cấp vắc xin đều đã có thư cam kết số lượng vắc xin cung ứng sắp tới, nhưng đều thông báo thêm số lượng và thời gian cung ứng có thể còn phụ thuộc vào tình hình dịch và khả năng của nhà cung cấp.

Việt Nam có nhu cầu 150 triệu liều vắc xin trong năm 2021, nếu so sánh với các cam kết cho đến nay, khả năng phải đến năm 2022 mới có đủ vắc xin. Vì vậy, có thể thấy để tiếp cận và mua được vắc xin về Việt Nam không dễ dàng. Nếu có vắc xin “made in Vietnam” thì cuộc sống của người dân hy vọng nhanh trở lại như trước.

Tại sao tôi phải tiêm vắc xin và miễn dịch cộng đồng là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát  và ngăn ngừa bệnh Hòa Kỳ, vắc xin COVID-19 là an toàn vì đã được phát triển bằng những nghiên cứu khoa học có từ hàng thập kỷ trước. Đây không phải là loại vắc xin thử nghiệm và đã trải qua các giai đoạn bắt buộc của thử nghiệm lâm sàng. Các vắc xin COVID-19 đã và sẽ tiếp tục trải qua quy trình giám sát an toàn chuyên sâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Các vắc xin COVID-19 có hiệu quả, có thể giúp bảo vệ bạn chống sự lây lan của virus gây bệnh, giúp bạn không mắc bệnh nghiêm trọng nếu nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19.

Khi đã được tiêm phòng đầy đủ, bạn có thể làm được nhiều việc hơn, khôi phục nhiều hoạt động như trước đại dịch.

Không có loại vắc xin COVID-19 nào chứa virus còn sống và có khả năng gây bệnh cho người tiêm. Do đó, đừng quá lo lắng vì điều này.

Miễn dịch cộng đồng là khái niệm mô tả trạng thái một tỷ lệ dân số đã có thể miễn dịch với mầm bệnh (hoặc do miễn dịch tự nhiên có được sau khi khỏi bệnh, hoặc nhờ tiêm chủng vắc xin) đạt đến một ngưỡng nhất định đủ để xóa sổ căn bệnh.

Các ước đoán của các chuyên gia về ngưỡng tỷ lệ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng có biên độ khá lớn vì họ đang bị chi phối bởi hai yếu tố rất khó đoán: virus biến đổi và tâm lý con người.

Khi nào tôi mới được tiêm vắc xin và tiêm ở đâu?

Sở Y tế TP. HCM vừa có văn bản thống kê đối tượng ưu tiên tiêm và tiêm miễn phí vắc xin phòng COVID-19 báo cáo UBND TP. HCM.

Theo đó, có 10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng nghị quyết 21 của Chính phủ với tổng cộng 2.385.223 người.

  • Nhóm 1: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Trong đó, có hơn 85.000 người làm việc trong các cơ sở y tế và hơn 63.000 người tham gia phòng, chống dịch. Cùng với đó là 3.800 người trong lực lượng quân đội và hơn 23.000 chiến sĩ trong lực lượng công an.
  • Nhóm 2: Hơn 540 người làm công việc ngoại giao, xuất nhập cảnh.
  • Nhóm 3: 1.816 nhân viên hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
  • Nhóm 4: Gần 29.000 người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước.
  • Nhóm 5: Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo với hơn 250.000 người.
  • Nhóm 6: Người mắc bệnh mạn tính. Riêng nhóm này Sở Y tế chưa có thống kê số lượng.
  • Nhóm 7: Người trên 65 tuổi với hơn 608.000 trường hợp.
  • Nhóm 8: Người sinh sống tại các vùng có dịch. Trong đó, có gần 677.000 người dân sinh sống tại Quận Gò Vấp, gần 120.000 người tại Phường Tân Thới Nhất và Phường Thạnh Lộc (Quận 12) và 320.000 công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
  • Nhóm 9: Hơn 202.000 người nghèo, các đối tượng chính sách.
  • Nhóm 10: 100 người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

Theo Sở Y tế TP. HCM, qua 3 đợt được Bộ Y tế cung cấp vắc xin COVID-19, TP. HCM đã tổ chức tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21. Cụ thể số người tiêm mũi 1 qua 3 đợt là 43.926 liều và số người tiêm đủ mũi 2 qua 3 đợt là 50.718 liều.

Ngày 17/6/2021, TP. HCM được Chính phủ phân bổ thêm 836.000 liều vắc xin COVID-19. Đây là đợt phân bổ thứ 4. Dự kiến từ ngày 19/6, TP. HCM triển khai tiêm chủng với 1.000 điểm tiêm, kéo dài trong 5 – 7 ngày.

Bộ Y tế cũng cho biết chỉ chọn mua các vắc xin an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA) và có giá phù hợp.

Nếu bạn nằm trong nhóm các đối tượng ưu tiên thì chờ Sở Y tế liên hệ bạn đến các địa điểm theo quy định để tiêm. Còn bạn không nằm trong nhóm ưu tiên thì tiếp tục chờ thông báo của Sở Y tế TP. HCM. Nếu đến lượt, y tế địa phương sẽ lên danh sách và thông báo ngày chích, nơi chích cho bạn.

Những ai không thể tiêm chủng?

Nhiều người cảm thấy lo lắng, đặc biệt là người cao tuổi vì cho rằng mình có nhiều bệnh nền như cao huyết áp, bệnh tim nên sẽ  không thể tiêm vắc xin. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo và tham khảo xem mình hoặc người thân có nằm trong những đối tượng sau không nhé.

Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng

Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:

  • Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác
  • Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định
  • Người mất tri giác, mất năng lực hành vi
  • Người trên 65 tuổi
  • Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu
  • Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.

+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg.

+ Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng

  • Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được
  • Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù…
  • Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày) hoặc điều trị hóa trị, xạ trị
  • Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng
  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ

Chống chỉ định

  • Tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào
  • Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất

Cần ăn gì trước và sau khi tiêm vắc xin COVID-19? Có nên kiêng ăn gì không?

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC), tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường. Điều này có nghĩa là, vắc xin đã được chứng minh có hiệu quả mà không cần bất kỳ chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào. Tuy nhiên, một thực đơn ăn uống khoa học, hợp lý sẽ hỗ trợ tốt cho nhu cầu của cơ thể, kể cả trước và sau khi tiêm vắc xin. Bạn có thể tham khảo những thực phẩm sau đây:

  • Rau có lá màu xanh đậm bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau bina, rau ngót, rau muống…
  • Canh hầm hoặc súp
  • Hành, tỏi, nghệ, việt quất
  • Uống đủ nước (phụ nữ cần đủ 2,7 lít nước/ngày, nam giới cần 3,7 lít)
  • Ăn thực phẩm nguyên hạt (bánh mì nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt, bắp)

Tránh uống rượu trước và sau khi tiêm vắc xin

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống rượu làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19. Cũng không có bằng chứng cho thấy vắc xin COVID-19 không an toàn đối với những người sử dụng rượu bia.

Vậy tại sao cần tránh rượu bia trước và sau khi chủng ngừa? CDC và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo điều này vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, bạn có thể kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc hơn sau khi tiêm. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể khiến bạn khó phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin.

Ngoài ra, rượu bia còn được chứng minh là làm căng thẳng hệ miễn dịch. Cụ thể, rượu có thể gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu.

Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm vắc xin?

Trước nhất là chuẩn bị tinh thần. Đây là việc cần làm, tốt cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tiếp theo, chuẩn bị về mặt sức khoẻ, ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc.

Theo thông tin của Bộ Y tế, bạn cần mang theo những vật dụng sau:

  1. CMND/CCCD/Thẻ BHYT
  2. Sổ khám bệnh, Giấy ra viện, Đơn thuốc, Phiếu tiêm vắc xin khác… sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có)
  3. Đeo khẩu trang thực hiện thông điệp 5K
  4. Tải ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, khai báo thông tin cần thiết
  5. Chuẩn bị đầy đủ các thông tin sau để khai báo tại điểm tiêm vắc xin:
  • Tình trạng sức khỏe hiện tại như sốt, mắc bệnh cấp tính…
  • Các bệnh mãn tính mắc phải hoặc đăng điều trị
  • Các thuốc liệu trình điều trị đang hoặc đã sử dụng gần đây
  • Tiền sử dị ứng hoặc bất kỳ với bất kỳ tác nhân nào
  • Các vắc xin tiêm hoặc uống trong 14 ngày qua
  • Đang mang thai hoặc cho con bú
  • Chủ động tìm hiểu từ cán bộ y tế
  • Loại vắc xin được chích và lịch tiêm mũi tiếp theo
  • Các dấu hiệu xuất hiện sau tiêm chủng và cách xử lý
  • Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp

Ngoài ra, bạn có thể tắm sạch sẽ, cánh tay trái là nơi sẽ chích ngừa. Mang theo 1 cây viết. Ngồi giãn cách 2m với người khác. Không nói chuyện. Hạn chế chạm tay vào những nơi không cần thiết. Mang theo chai rửa tay nhỏ gọn và thường xuyên rửa tay nhanh. Làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Quy trình tiêm vắc xin COVID-19

Trước khi chích, bạn sẽ phải điền thông tin vào 2 phiếu (hoặc 1 phiếu có 2 mặt) từ các nhân viên y tếvà khám sàng lọc cho bạn để đảm bảo là bạn an toàn. Bạn nên đọc kỹ và khai vào 2 tờ giấy này. Có gì không rõ thì hỏi lại cho rõ.

Sau khi chích, bạn cần làm những việc sau:

  • Ở lại 30 phút để theo dõi. Không tự ý bỏ về trước khi kết thúc theo dõi 30 phút.
  • Không đắp, không day, không xoa nơi chích. Chỉ vịn miếng bông gòn nếu NVYT yêu cầu.
  • Tự theo dõi các dấu hiệu
  • Sau 30 phút, NVYT sẽ khám lại, đo huyết áp, nếu ổn thì cho về. Cần phải theo dõi sát sao trong 24 giờ đầu và tiếp tục theo dõi trong 7 ngày sau chích. NVYT sẽ cho bạn QR code để khai báo mỗi ngày.
  • Chuẩn bị 1 vỉ thuốc hạ sốt để khi có sốt thì dùng

Khi nào cần quay lại cơ sở y tế ngay lập tức?

Sau khi tiêm, bạn sẽ có một số dấu hiệu:

Thường gặp

Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là phản ứng thông thường cho thấy sau khi tiêm vắc xin cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh.

Hiếm gặp

Xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau  tiêm:

  • Ở miệng: Tê quanh môi và/hoặc lưỡi
  • Ở da: Phát ban, mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da…
  • Ở họng: Ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc…
  • Đường tiêu hóa: Tiêu chảy, nôn, đau quặn bụng…
  • Đường hô hấp: Thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho
  • Toàn thân: Mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, tay chân co quắp

Dấu hiệu thông thường phản ứng nặng lên

Sốt cao trên 39ºC, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội tăng hoặc tụt huyết áp. Nếu gặp dấu hiệu bất thường nêu trên hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chẩn đoán kịp thời.

Vắc xin COVID-19 có thể bảo vệ bạn trong bao lâu?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vì vắc xin COVID-19 mới chỉ được phát triển trong những tháng qua, nên còn quá sớm để biết thời hạn bảo vệ của vắc xin COVID-19. Các nhà nghiên cứu đang tiến hành để trả lời câu hỏi này.

Qua bài viết này, Golden Choice hy vọng đã giúp bạn có thể tự tin đến bên bàn tiêm mà không còn lo lắng như trước nữa. Bên cạnh việc tiêm vắc xin để phòng bệnh, bạn cần lên kế hoạch tập luyện hàng ngày vì đây là một cách tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên tạo hàng rào bảo vệ bạn trước virus nguy hiểm này.