Hỏi đáp: Việc khám phụ khoa trước khi mang thai có cần thiết không?

Khám phụ khoa định kỳ là việc được khuyến cáo đối với chị em phụ nữ. Vậy với những ai đang có kế hoạch làm mẹ thì khám phụ khoa trước khi mang thai có thực sự cần thiết hay không? Chúng ta cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây về tầm quan trọng việc khám phụ khoa khi chị em chuẩn bị mang thai nhé!

Khám phụ khoa là khám những gì và được thực hiện như thế nào?

Khám phụ khoa chính là quá trình kiểm tra cơ quan sinh dục của nữ giới ở các bộ phận như: tử cung, vòi trứng, buồng trứng, cổ tử cung và cả âm đạo. Bằng cách này, bác sĩ sẽ xác định được tình hình sức khoẻ của những cơ quan thuộc bộ phận sinh dục và phát hiện được các bất thường cũng như bệnh lý, bệnh viêm nhiễm.

Khi kiểm tra sức khoẻ phụ khoa, bác sĩ cũng có thể chỉ định nữ giới làm một số xét nghiệm cần thiết như: sinh thiết cổ tử cung (phát hiện sớm ung thư tử cung, ung thư âm đạo), xét nghiệm PAP.

kham-phu-khoa
Khám phụ khoa là biện pháp kiểm tra và theo dõi sức khoẻ của cơ quan sinh dục nữ

Về cơ bản, các bước khám phụ khoa rất đơn giản, nhanh chóng, không tốn quá nhiều thời gian. Trình tự tiến hành như sau:

  • Khám tổng quan bên ngoài để phát hiện có gì bất thường ở cơ quan sinh dục hay không.
  • Khám âm đạo: Bác sĩ tiến hành quan sát thành âm đạo và cổ tử cung, lấy mẫu dịch âm đạo phục vụ cho xét nghiệm PAP hoặc lấy mẫu tế bào làm sinh thiết cổ tử cung.
  • Khám tử cung: Tại bước này, bác sĩ dùng tay sờ nắn vùng bụng để xác định kích thước và vị trí tử cung, thực hiện các siêu âm để đánh giá tình trạng của tử cung, buồng trứng và vòi trứng.
  • Xét nghiệm: các mẫu dịch lấy từ âm đạo được phân tích tại phòng xét nghiệm để xác định có nấm, tạp khuẩn, trùng roi hay các bệnh xã hội hay không.

Tại Việt Nam, có tới 90% nữ giới từng mắc bệnh lý phụ khoa ít nhất 1 lần (theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2014). Đây thực sự là con số đáng báo động về việc bảo vệ sức khỏe phụ khoa của nữ giới. Đây cũng chính là lý do vì sao các bác sĩ và chuyên gia khuyến cáo nữ giới nên khám phụ khoa 1 – 2 lần/ năm.

Khám phụ khoa trước khi mang thai – việc làm rất quan trọng không nên bỏ qua

kham-truoc-khi-mang-thaiKhám phụ khoa trước khi có thai là một trong những bước mà chị em cần thực hiện, tuyệt đối không nên bỏ qua. Lý do là vì thăm khám phụ khoa sẽ giúp bác sĩ xác định được tình hình sức khoẻ và khả năng của cơ quan sinh sản, kịp thời phát hiện những bất thường. Từ đó, xác định được những yếu tố có thể tác động tới khả năng thụ thai, sức khoẻ của mẹ và thai nhi (polyp cổ tử cung, viêm nhiễm âm đạo, u xơ tử cung, viêm tắc vòi trứng…)

Dựa trên kết quả thăm khám phụ khoa và những bất thường (nếu có), bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị cũng như giúp bạn lên kế hoạch quản lý thai kỳ hợp lý và an toàn, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi.

Khi khám phụ khoa để chuẩn bị mang thai thì cần chú ý những gì?

Trước hết, chị em cần biết rằng việc khám phụ khoa hoàn toàn không gây đau đớn vì đây là những bước kiểm tra đơn giản. Để việc thăm khám diễn ra nhanh chóng và cho kết quả chính xác nhất thì chị em có thể hợp tác với bác sĩ bằng một số cách sau:

  • Trước khi khám phụ khoa không nên lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều, tránh để tâm lý căng thẳng.
  • Đang trong thời gian hành kinh thì không nên khám phụ khoa.
  • Thời gian thích hợp nhất cho việc khám phụ khoa là vào buổi sáng và chị em nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trước khi tới khám.
  • Để kết quả thăm khám phụ khoa được chính xác nhất thì nên tránh quan hệ tình dục trước buổi khám tối thiểu 2 ngày.
  • Để quá trình khám được diễn ra nhanh chóng, thuận tiện nhất thì chị em nên lựa chọn những trang phục rộng rãi, phù hợp.
  • Nếu cần thiết, hãy ghi chép lại và nên trao đổi đầy đủ những thông tin về sức khỏe phụ khoa, những bệnh lý trước kia đã từng gặp, triệu chứng hiện tại với bác sĩ chuyên khoa khi thăm khám để có kết quả chính xác nhất.

Chị em cần khám sàng lọc những gì trước khi mang thai?

kham-phu-khoa-truoc-khi-mang-thaiCơ thể của người mẹ khoẻ mạnh chính là tiền đề cho thai nhi khỏe mạnh. Và việc thăm khám, sàng lọc trước khi mang thai sẽ giúp xác định được tình hình sức khoẻ của người mẹ, từ đó điều trị dứt điểm những bệnh lý nếu có. Vì vậy, có thể nói rằng khám sàng lọc trước khi mang thai cũng có vai trò quan trọng không kém việc khám thai định kỳ sau này.

Một số sàng lọc sức khoẻ mà chị em nên khám trước khi mang thai bao gồm:

  • Khám nha khoa: Thực tế thì hầu hết chị em vẫn quan niệm sức khỏe răng miệng và việc mang thai hoàn toàn không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm vì bệnh răng miệng sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều trong thai kỳ dưới sự tác động của nội tiết tố tăng cao khi mang thai. Việc phải đi nhổ răng hoặc dùng thuốc kháng sinh, thuốc điều trị là điều sẽ xảy ra. Và những biện pháp này có ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, có thể  gây sinh non, sinh nhẹ cân.
  • Tầm soát các bệnh lý về tuyến giáp: ngoài việc đóng vai trò quan trọng với sức khỏe của người mẹ, tuyến giáp còn quyết định tới sự phát triển hệ thần kinh trung ương thai nhi trong 3 tháng đầu của thai kỳ. 
  • Điện tâm đồ: đây là loại khám sàng lọc bệnh tim mạch. Mẹ bầu mắc bệnh về tim mạch sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng trong thai kỳ nên việc làm loại sàng lọc này là rất cần thiết.
  • Xét nghiệm máu: bước sàng lọc này giúp xác định nhóm máu, những bất thường của tế bào máu, khả năng mắc bệnh thiếu máu và đặc biệt là sàng lọc được bệnh thiếu máu huyết tán (thalassemia) và yếu tố Rh – cũng như giúp đánh giá chức năng gan, thận… Từ đó giúp phát hiện tình trạng nhiễm một số virus, vi khuẩn có khả năng gây dị tật.
  • Xét nghiệm nước tiểu: với biện pháp này, bác sĩ dễ dàng đánh giá tổng quan về sức khỏe của chị em dựa trên các chỉ số như:  protein, bạch cầu, hồng cầu, glucose… Đặc biệt là xét nghiệm nước tiểu cũng sẽ giúp đưa ra kết luận về việc chị em có bị viêm nhiễm đường tiết niệu hay không.
  • Tiêm phòng: Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, phòng ngừa một số ảnh hưởng từ các căn bệnh khác nhau, chị em nên tiến hành tiêm phòng một số loại bệnh sau: viêm gan B, cúm, Rubella, thủy đậu….

Khám phụ khoa trước khi mang thai là một bước quan trọng để đảm bảo sức khỏe của người mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai. Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn của người mẹ trước khi mang thai, đồng thời cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề về sản khoa trong quá trình mang thai. Bên cạnh đó, việc kiểm tra còn giúp người mẹ hiểu rõ hơn về cơ thể của mình và các biến đổi trong quá trình mang thai, từ đó có thể chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt hơn cho quá trình sinh con.

Tuy nhiên, tại nước ta hiện nay vẫn chưa có nhiều cặp vợ chồng thực sự xem trọng việc này. Để đảm bảo có thai kỳ khỏe mạnh và em bé chào đời suôn sẻ, có nền tảng sức khỏe tốt nhất thì những ông bố, bà mẹ tương lai nên nghiên cứu kỹ và nghiêm túc hơn cho việc khám phụ khoa trước khi mang thai.