Máu báo thai thường xuất hiện khi quá trình thụ thai diễn ra thành công, là một trong những dấu hiệu đầu tiên giúp nữ giới nhận biết được rằng mình đang mang thai. Vậy khi ra máu báo thai thử que được chưa? Kết quả thử thai lúc này có chính xác không? Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề sau qua bài viết bên dưới.
Mục lục
Ra máu báo thai có những biểu hiện gì?
Máu báo thai là loại máu chảy ra từ âm đạo với số lượng ít, nhỏ giọt. Trong một số trường hợp, nữ giới chỉ phát hiện ra máu báo thai khi sử dụng giấy để vệ sinh vùng kín. Đây là loại máu thường xuất hiện trong khoảng vài giờ hoặc lâu nhất là 2 ngày rồi tự biến mất. Khi xuất hiện, máu có màu hồng nhạt hoặc màu nâu đỏ, ở dạng lỏng, không có mùi và chị em sẽ cảm thấy phần bụng dưới hơi đau hoặc lâm râm.
Ngoài ra, chị em nên lưu ý phân biệt máu báo thai và tình trạng xuất huyết âm đạo khác kèm theo các triệu chứng như: Ngứa rát âm đạo, ngứa vùng kín, khí hư bất thường,… vì đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của bệnh lý không phải máu báo thai.
Máu báo thai thường xuất hiện khi nào?
Máu báo thai thường xuất hiện khi quá trình thụ thai diễn ra thành công. Lúc này trứng được thụ tinh sẽ tiếp tục phát triển thành phôi thai và bắt đầu di chuyển vào tử cung, bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ. Điều này làm cho các mạch máu và tế bào của lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương, bong tróc ra gây nên hiện tượng chảy máu nhẹ, thường được dân gian gọi là “máu báo hỷ”. Thông thường, máu báo thai sẽ dễ bị nhầm lẫn với máu kinh do thời gian xuất hiện tương đối gần nhau, khoảng ngày thứ 2 – 7 trước kỳ kinh kế tiếp (theo dự tính).
Ra máu báo thai thử que được chưa?
Giữa máu báo thai với máu kinh có nhiều điểm tương đồng nên trước khi bắt đầu thử thai, chị em cần xác định chính xác máu xuất hiện là máu báo thai hay là máu kinh thông qua các yếu tố sau: (2)
- Máu báo thai: Thường chảy ít, nhỏ giọt, ở dạng lỏng, xuất hiện trong vài giờ rồi tự biến mất, không có tình trạng đông máu, đau bụng lâm râm và đi kèm các triệu chứng như: Mệt mỏi, đau tức ngực, đầy hơi, ốm nghén…
- Máu kinh: Thường xuất hiện với số lượng nhiều, có mùi tanh và nồng, kéo dài trong nhiều ngày, đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội kèm theo các triệu chứng: Chuột rút, khí hư xuất hiện, vùng kín ẩm ướt,…
Nếu xuất huyết sau khi quan hệ không an toàn, có hiện tượng trễ kinh, chị em có thể sử dụng que thử thai. Nên sử dụng que thử thai vào buổi sáng để có kết quả chính xác nhất.
Tìm hiểu thêm: Máu báo thai ra nhiều có bình thường không?
Que thử thai hoạt động như thế nào?
Que thử thai là một dụng cụ xét nghiệm định tính, dùng để kiểm tra tình trạng mang thai ở nữ giới, dựa trên nồng độ hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) có trong nước tiểu. Que thử thai đã được chứng minh có độ chính xác cao lên đến 97% nếu sử dụng đúng cách.
Hiện nay có 2 loại que thử thai là que thử thai giấy truyền thống và que thử thai điện tử. Que thử thai được cấu tạo gồm 3 phần chính: Phần đầu, phần giữa và phần cuối. Phần đầu là vùng vải sợi tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu. Phần giữa là vùng cho ra kết quả và phần cuối là vùng so sánh.
Que thử thai hoạt động dựa trên cơ chế nhận diện nồng độ hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) có trong nước tiểu của phụ nữ. Khi đưa vùng vải sợi ở phần đầu của que thử tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu, nếu có hormone hCG trong nước tiểu sẽ được nhận diện ngay. Phần giữa của que thử thai hiện lên 1 vạch (âm tính) tức là chị em không mang thai, còn ngược lại nếu hiện lên 2 vạch (dương tính) có nghĩa là đã mang thai.
Tìm hiểu thêm: Thử thai 2 vạch nhưng không có máu báo thai có bình thường không?
Kết quả thử thai khi ra máu báo thai có chính xác không?
Thông thường kết quả thử thai khi ra máu báo thai thường chính xác, có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nữ giới ra máu báo thai nhưng khi thử que thì hiện lên 1 vạch. Điều này có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau: (3)
- Do hiện tượng máu báo thai xuất hiện quá sớm, tuổi thai còn nhỏ, nồng độ hCG thấp nên que thử thai chưa nhận diện được.
- Do sự nhầm lẫn giữa máu báo thai với máu kinh nguyệt và xuất huyết âm đạo do các bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm. (4)
- Do quá trình sử dụng que thử thai sai cách hoặc sử dụng que kém chất lượng, hết hạn sử dụng.
- Kết quả thử thai có sự sai số do chịu ảnh hưởng từ mẫu thử. Khi uống quá nhiều nước, sử dụng thuốc kháng sinh, một số loại thuốc điều trị bệnh sẽ ảnh hưởng đến nước tiểu, từ đó cho ra kết quả không chính xác.
Chính vì thế, để đảm bảo độ chính xác cao, chị em nên thử thai vào buổi sáng, có thể thử 2 – 3 que thử thai vào các thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, nữ giới nên đến bệnh viện và thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để xác định được tình trạng mang thai của bản thân.
Những lưu ý khi biết chính xác bản thân đang mang thai
Khi mang thai, chị em lưu ý thực hiện đầy đủ các yếu tố sau để bảo vệ tốt sức khoẻ của bản thân và sự phát triển ổn định, toàn diện cho thai nhi. Bao gồm:
- Khám thai lần đầu tiên: Các mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám trong giai đoạn mang thai được khoảng 5 – 8 tuần. Giai đoạn này rất quan trọng, việc thực hiện thăm khám, kiểm tra giúp chị em xác định được tình trạng và sự phát triển của thai nhi như: Thai đã vào tử cung chưa, tuổi thai, ngày dự sinh,… cũng như các hiện tượng bất thường (nếu có) ở thai nhi.
- Khám thai định kỳ: Trong quá trình mang thai, thai phụ nên đi khám thai ít nhất là 5 lần vào các giai đoạn quan trọng của thai kỳ như 8 – 13 tuần tuổi, 16 – 22 tuần tuổi, 28 – 32 tuần, 36 tuần tuổi. Điều này sẽ giúp bác sĩ kiểm soát được tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, tầm soát được các nguy cơ tiềm ẩn gây nên dị tật bẩm sinh và các bệnh lý liên quan.
- Vận động hợp lý: Các mẹ bầu lưu ý không nên vận động mạnh cũng như mang vác vật nặng trong giai đoạn thai kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu. Điều này sẽ gây nên tình trạng động thai, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Thay vào đó, chị em nên đi bộ, tập yoga hay tập những bài tập thể dục dành cho mẹ bầu khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cho cơ thể mẹ khỏe hơn, các cơ sàn chậu giãn nở tạo tiền đề cho quá trình vượt cạn trong tương lai diễn ra thuận lợi hơn.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: Mẹ bầu nên bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể và quan trọng cho thai kỳ như: Axit folic, canxi, sắt, kẽm,… Ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều rau củ, trái cây góp phần hạn chế tình trạng chán ăn, nghén đồng thời cung cấp được đầy đủ các chất đạm, chất béo, vitamin C, E,… cho thai kỳ. Bên cạnh đó, chị em nên tránh sử dụng các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ gây sảy thai như: Rau ngót, dứa, đu đủ, chùm ngây cũng như các loại thức uống chứa các chất kích thích, chất cồn. Ngoài ra, trong giai đoạn mang thai nữ giới nên nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ, ăn thành nhiều bữa và không ăn quá no để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho mẹ và bé.