Tăng prolactin máu là nồng độ prolactin trong máu cao hơn bình thường. Nguyên nhân phổ biến nhất là do u tuyến yên tiết prolactin, đây là một khối u lành tính (không phải ung thư). Tăng prolactin cũng có thể là do một số bệnh liên quan đến sức khỏe, sự thay đổi cơ thể và một số loại thuốc gây ra.
Mục lục
Tăng prolactin máu là gì?
Tăng prolactin máu là một tình trạng bệnh lý về sự dư thừa prolactin trong máu. Prolactin là một loại hormone được sản xuất từ tuyến yên. Hormone này giúp kích thích và duy trì sản xuất sữa mẹ và ảnh hưởng đến nồng độ hormone giới tính ở cả nam và nữ.
Tăng prolactin máu có thể là do sinh lý (những thay đổi trong cơ thể); bệnh lý, do thuốc hoặc những bất thường vô căn (không rõ nguyên nhân) gây ra (1). Mặc dù không phải bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng tăng prolactin có thể gây vô sinh nữ và nhiều vấn đề khác.
Căn bệnh này có phổ biến không?
Tăng prolactin máu ảnh hưởng đến dưới 1% dân số nói chung và 5% – 14% bệnh nhân bị vô kinh thứ phát. Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này là u tiết prolactin – khối u lành tính không gây ung thư, chiếm tới 40% tổng số u tuyến yên được ghi nhận lâm sàng, với tỷ lệ mắc cao nhất ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản từ 25 đến 34 tuổi.
Nguyên nhân tăng prolactin máu
Prolactin trong máu tăng cao có thể phát triển do nhiều nguyên nhân. Trong một số trường hợp, prolactin máu tăng cao được coi là bình thường. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp prolactin trong máu tăng cao là một vấn đề y tế nghiêm trọng. Một số nguyên nhân gây tăng prolactin máu như: (2)
1. Các tình trạng sinh lý làm tăng prolactin
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Nồng độ prolactin máu tăng dần trong suốt thai kỳ do sự tăng nồng độ estrogen được chế tiết từ bánh rau.
- Các kích thích núm vú, hoạt động tình dục
- Các sang chấn tâm lý
- Hoạt động thể dục, thể thao cường độ cao
2. Tăng prolactin do thuốc
Dopamine tác động gây ức chế việc sản xuất và chế tiết prolactin. Bất kỳ loại thuốc nào ức chế việc sản xuất hoặc tăng sử dụng dopamine đều có thể làm tăng prolactin.
Các loại thuốc có thể làm tăng nồng độ prolactin trong máu có thể kể đến như:
- Một số loại thuốc chống loạn thần như risperidone và haloperidol.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc điều trị huyết áp cao như thuốc chẹn kênh canxi và methyldopa.
- Thuốc ức chế thụ thể H2: cimetidin, ranitidine
- Thuốc chống nôn: metoclopramid
- Thuốc tránh thai và estrogen.
- Thuốc giảm đau có chứa opioid.
Nếu có nồng độ prolactin cao do thuốc thông thường sẽ giảm và trở lại bình thường từ 3 đến 4 ngày sau khi ngừng dùng thuốc.
Một số bệnh lý thần kinh – hạ đồi
- Viêm não, bệnh u hạt, bệnh do porphyrin
- Ung thư
- Hố yên rỗng: Thoát vị màng nhện
- Cắt đứt cuống yên trong phẫu thuật thần kinh, các khối u chèn ép vào cuống tuyến yên
3. Tăng prolactin do U tiết prolactin
U tuyến yên tiết prolactin là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng sản xuất prolactin quá mức. Nếu bị u tiết prolactin sẽ gặp phải các tình trạng như: Nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, thay đổi thị lực như nhìn đôi hoặc giảm tầm nhìn ngoại vi, đau xoang hoặc áp lực và các vấn đề về khứu giác.
4. Các khối u tuyến yên khác
Các khối u lớn (trừ u tiết prolactin) nằm trong hoặc gần tuyến yên có thể gây tăng prolactin máu. Điều này thường là do khối u ngăn cản dopamine (hormone ức chế sự sản sinh prolactin) đến tuyến yên. Xạ trị các khối u hoặc xạ trị gần tuyến yên cũng có thể gây ra tình trạng này.
5. Tăng prolactin do tình trạng sức khỏe
Ngoài u tiết prolactin, có rất nhiều tình trạng sức khoẻ có thể làm tăng nồng độ prolactin trong máu như:
- Suy giáp
- Suy thận
- Xơ gan.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Hội chứng Nelson, hội chứng Cushing.
Dấu hiệu prolactin máu cao
Các triệu chứng của tăng prolactin máu thường liên quan đến việc prolactin ức chế hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) hơn là do mức độ prolactin tăng lên. GnRH kích thích tuyến yên tiết ra hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Prolactin máu cao có những dấu hiệu cụ thể như:
Ở tuổi dậy thì: chậm tăng trưởng, dậy thì muộn, vô kinh nguyên phát
1. Dấu hiệu ở nữ
Phụ nữ bị tăng prolactin sẽ dẫn đến những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều, không có kinh (vô kinh), chảy sữa và có thể gây vô sinh
Nồng độ prolactin cao có thể gây ức chế sản xuất estrogen, khi này sẽ xuất hiện các triệu chứng như giảm ham muốn tình dục, giảm ham muốn tình dục, giảm mật độ xương. Rậm lông, mụn trứng cá có thể là do tăng androgen.
2. Dấu hiệu ở nam
Ở nam giới, prolactin tăng cao có thể gây ra rối loạn cương dương, bất lực và giảm ham muốn tình dục, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng và chát lượng tinh trùng, chứng vú to ở nam giới… Ngoài ra, ở nam giới cũng có một số dấu hiệu ít phổ biến khác như mệt mỏi và mất khối lượng cơ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu thấy dấu hiệu và triệu chứng của chứng tăng prolactin máu, cần đến các cơ sở uy tín như BVĐK Tâm Anh để được các chuyên gia y tế tư vấn và thăm khám.
Các bác sĩ sẽ thăm khám và xét nghiệm prolactin để kiểm tra nồng độ prolactin trong máu có cao không. Nếu phát hiện nồng độ prolactin cao, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác để tìm nguyên nhân.
Khi được chẩn đoán mắc bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành xác định nguyên nhân dựa trên một số câu hỏi liên quan như các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng và liệu có đang mang thai hay không. Sau quá trình thăm khám, chụp MRI sọ não được chỉ định nếu nghi ngờ u tiết prolactin.
Biến chứng có thể xảy ra
Là một trong những hormone ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, tăng prolactin máu có thể làm suy giảm lượng estrogen và cản trở quá trình rụng trứng gây nên tình trạng vô sinh. Nếu chỉ số prolactin tăng cao do khối u có thể gặp phải các biến chứng sau:
- Mật độ xương giảm: tăng prolactin trong máu làm giảm sản xuất hormone giới tính, như testosterone và estrogen. Sự suy giảm của các hormone này dẫn đến mật độ xương giảm.
- Mất thị lực: Nếu u tiết prolactin không được điều trị kịp thời, nó có thể phát triển, chèn ép và gây giảm và mất thị lực.
- Biến chứng khi mang thai: Nếu u tiết prolactin phát triển trong thời kỳ mang thai, nó có thể gây ra những thay đổi về thị lực, gây đau đầu, cùng các biến chứng nguy hiểm khác.
Chẩn đoán prolactin máu như thế nào?
Chẩn đoán prolactin máu tăng dựa vào xét nghiệm máu. Đối với hầu hết bệnh nhân, mức dưới 25 μg/L (microgam trên lít) là bình thường và mức cao là trên 25 μg/L. (3)
Có nhiều nguyên nhân gây tăng prolactin máu. Nguyên nhân có thể là do suy giáp, cần phải xét nghiệm máu do đó cũng cần để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp. Ở một số trường hợp khác nguyên nhân có thể là do bị u tiết prolactin hoặc khối u tuyến yên khác, khi này bác sĩ sẽ tiến hành chụp MRI sọ não và tuyến yên để xác định.
Nếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bác sĩ sẽ loại trừ khả năng mang thai là nguyên nhân gây tăng prolactin. Tiền sử bệnh lý cũng rất quan trọng trong chẩn đoán, như người bệnh suy thận thận hoặc xơ gan có thể sẽ gây prolactin máu tăng cao.
Ngoài ra, để thuận lợi cho quá trình chẩn đoán, cần cho bác sĩ biết những loại thuốc hiện tại đang dùng và đã dùng thời gian gần đây. Bởi có thể thuốc đó có thể nằm trong danh sách làm tăng nồng độ prolactin. Một số loại thuốc làm tăng prolactin máu như: estrogen, thuốc giảm đau dạng thuốc phiện, metoclopramide, thuốc chống loạn thần. Ngoài ra, một số loại thuốc dùng để điều trị huyết áp cao, trầm cảm có thể làm tăng nồng độ prolactin.
Điều trị tăng prolactin trong máu
Nếu do dùng thuốc, prolactin có thể trở về bình thường sau khi ngừng sử dụng thuốc khoảng 3-4 ngày.
Một số người có nồng độ prolactin cao nhưng có ít hoặc không có triệu chứng thì không cần điều trị. Việc điều trị tăng prolactin máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một số cách chữa trị thường được áp dụng như: (4)
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc giảm nồng độ prolactin máu cần phải theo chỉ định của bác sĩ.
Hình thức điều trị phổ biến nhất đối với u tuyến yên tiết prolactin là sử dụng các loại thuốc gọi là chất chủ vận dopamine. Loại thuốc này không chỉ giúp điều chỉnh nồng độ prolactin mà còn rất hiệu quả trong việc thu nhỏ khối u prolactinoma.
Trong trường hợp suy giáp là nguyên nhân gây tăng prolactin máu, điều trị bằng hormone tuyến giáp tổng hợp có thể được chỉ định để đưa mức prolactin trở lại bình thường.
Đối với những trường hợp đang phải điều trị bệnh và dùng thuốc theo đơn mà loại thuốc này gây nên tình trạng tăng prolactin trong máu, bác sĩ có thể xem xét sử dụng các loại thuốc tương tự khác hoặc giảm liều dùng.
2. Phương pháp phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật trong điều trị tăng prolactin máu sẽ được bác sĩ chỉ định trong trường hợp thuốc không có tác dụng thu nhỏ khối u tiết prolactin hoặc phẫu thuật để loại bỏ u tuyến yên hoặc khối u khác.
3. Phương pháp xạ trị
Liệu pháp xạ trị là lựa chọn sau cùng để điều trị tăng prolactin máy nếu thuốc và phẫu thuật không có tác dụng làm giảm mức prolactin xuống. Loại xạ trị được sử dụng sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u.
Sau khi khi thực hiện điều trị tăng prolactin trong máu, bệnh nhân nên xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo nồng độ prolactin ở mức bình thường. Nếu tình trạng tăng prolactin là do khối u gây ra cần chụp lại MRI sọ não để theo dõi sự xuất hiện trở lại hoặc sự mở rộng của khối u sau điều trị.
Biện pháp phòng ngừa
Hiện nay chưa có một biện pháp cụ thể nào hiệu quả để phòng ngừa tăng prolactin máu mà chỉ có thể thiết lập lối sống lành mạnh để hạn chế mức độ prolactin tăng quá cao. Một số lưu ý để giảm mức độ prolactin tăng cao như:
1. Tránh căng thẳng
Khi căng thẳng nồng độ cortisol cao sẽ giải phóng trong cơ thể từ đó có thể dẫn đến nồng độ prolactin máu tăng cao. Kiểm soát căng thẳng để tránh mức prolactin máu tăng cao bằng cách ngủ nhiều hơn vào ban đêm, ăn các bữa ăn lành mạnh đều đặn, tập thiền và tập thể dục cường độ thấp… Nếu là người phải đối mặt với nhiều căng thẳng trong công việc đừng quên nghỉ ngơi ngắn hạn và thường xuyên.
2. Tránh tập luyện cường độ cao
Những người có mức độ prolactin máu cao hơn trong cơ thể nên tránh thực hiện các bài tập cường độ cao. Tập thể dục quá mức có thể có tác động tiêu cực đến cơ thể nếu đang có hàm lượng prolactin trong máu cao.
3. Tránh gluten
Đối với những trường hợp prolactin máu cao cần loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn uống. Lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch đều có hàm lượng gluten cao, có thể gây ra phản ứng viêm trong cơ thể khi tiêu thụ. Điều này có thể làm tăng prolactin máu và làm gián đoạn quá trình sản xuất dopamine ở vùng dưới đồi. Vì vậy, tránh gluten có thể là một cách hiệu quả để giảm mức độ prolactin.
4. Tránh uống rượu
Uống rượu có thể làm tăng nồng độ prolactin trong cơ thể, do thay đổi sản xuất dopamine. Đối với những trường hợp có mức prolactin máu cao cần phải hạn chế và không nên uống rượu. Việc hạn chế hay cần phải kiêng uống rượu phải thực hiện đúng theo lời khuyên từ bác sĩ.
5. Cân bằng lượng đường trong máu
Cân bằng lượng đường trong máu có thể giúp giảm mức độ prolactin. Việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chứa nhiều đường là cách phòng ngừa tăng prolactin máu. Ngoài ra, để mức prolactin máu ổn định cơ thể cũng cần bổ sung đầy đủ chất đạm và chất xơ.
Qua những thông tin được chia sẻ bên trên về tăng prolactin máu, chúng ta có thể thấy tình trạng này nếu không được điều trị có thể gây nên những biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.