Thử thai 2 vạch nhưng không xuất hiện máu báo thai thì có bình thường không?

Que thử thai 2 vạch và máu báo thai là những dấu hiệu mang thai sớm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đã thử thai 2 vạch nhưng không có máu báo thai, điều này có bình thường không?

Thông tin về máu báo thai

Máu báo thai là những đốm nhỏ, có màu hồng nhạt hoặc nâu đỏ được chảy ra từ âm đạo sau khoảng từ 1 đến 2 tuần nữ giới quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng các biện pháp tránh thai). Sở dĩ có sự xuất hiện của máu báo thai là do lúc này, trứng đã được thụ tinh thành công trở thành phôi thai và bắt đầu tiến về tử cung làm tổ ở lớp niêm mạc tử cung. Khi phôi thai được cấy vào lớp niêm mạc tử cung sẽ làm các mạch máu, mao mạch nhỏ xung quanh bị tổn thương, gây xuất huyết nhẹ và chảy máu.

Máu báo thai có phải là dấu hiệu mang thai chính xác?

Máu báo thai xuất hiện sau khi trứng được thụ tinh thành công và phôi thai bắt đầu làm tổ tại lớp niêm mạc tử cung. Chính vì thế, máu báo thai được xem là dấu hiệu báo hiệu sớm và chính xác nhất về tình trạng mang thai ở nữ giới.

Tuy nhiên, máu báo thai thường có nhiều điểm tương đồng với máu kinh và máu âm đạo cảnh báo các bệnh lý phụ khoa. Vì thế, chị em cần xác định máu báo thai, kinh nguyệt, hay xuất huyết âm đạo bất thường để có cách xử trí phù hợp.

Thử thai 2 vạch nhưng không xuất hiện máu báo thai thì có bình thường không?
Thử thai 2 vạch nhưng không xuất hiện máu báo thai thì có bình thường không?

Nguyên nhân thử thai 2 vạch nhưng không có máu báo thai?

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thử que 2 vạch nhưng không có sự xuất hiện của máu báo thai. Bao gồm:

1. Thử que sai cách

Thử que sai cách sẽ dẫn đến tình trạng que không lên kết quả hoặc hiển thị kết quả sai. Tùy thuộc vào từng loại que thử thai mà có yêu cầu khác nhau về mẫu thử. Một số que yêu cầu nhúng một phần nước tiểu hoặc một vài giọt nước tiểu là có thể cho ra kết quả chính xác; nhưng cũng có một số loại yêu cầu phải để que thử tiếp xúc trực tiếp với dòng nước tiểu hoặc mẫu nước tiểu phải là mẫu giữa dòng (không phải là lượng nước tiểu đầu tiên hoặc cuối cùng chảy ra) thì mới cho kết quả chính xác. Chính vì thế, trước khi sử dụng que thử thai nữ giới cần đọc kỹ và thực hiện đúng theo hướng dẫn sử dụng để que hiển thị đúng kết quả.

2. Que thử hiển thị sai kết quả

Que thử thai hiển thị sai kết quả có thể bắt nguồn từ các yếu tố sau:

  • Que thử kém chất lượng: Các loại que thử có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái hoặc que bị hỏng, hết hạn sử dụng thường sẽ cho kết quả giả, kết quả không chính xác. Điều này là do chất nhận diện nồng độ hCG trong que thử không có, không còn hoặc đã bị biến chất nên khi sử dụng sẽ hiển thị sai kết quả.
  • Đọc kết quả sai thời điểm: Đây là tình trạng thường gặp ở các chị em đang mong bé. Thông thường các loại que thử thai cần khoảng 5 phút để hiển thị kết quả chính xác nên khi chị em vừa thử xong đã đọc kết quả liền thì kết quả sẽ bị sai. Bên cạnh đó, việc để que thử quá lâu bên ngoài không khí rồi mới đọc kết quả cũng gây ảnh hưởng đến kết quả của mẫu thử.

3. Không xuất hiện máu báo thai

Theo một số thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 25% phụ nữ xuất hiện máu báo thai khi mang thai, còn lại đa số các trường hợp đều không có sự xuất hiện của máu báo thai. Điều này có thể là do thể trạng của từng người, không phải ai mang thai cũng xuất hiện máu báo thai.

Que hiển thị sai kết quả có thể là do que kém chất lượng, hết hạn sử dụng,…
Que hiển thị sai kết quả có thể là do que kém chất lượng, hết hạn sử dụng,…

Thử que 2 vạch nhưng không có máu báo thai có sao không?

Như đã đề cập phía trên, máu báo thai chỉ xuất hiện ở một số ít trường hợp nữ giới mang thai. Ngoài ra, do máu báo thai tồn tại trong thời gian ngắn và nhỏ giọt, chỉ có thể quan sát được khi dính trên quần lót hoặc khi chị em dùng giấy để vệ sinh vùng kín nên nếu không để ý, nữ giới sẽ không phát hiện ra máu báo thai. Chính vì thế, khi thử thai 2 vạch nhưng không có máu báo thai, chị em cũng đừng quá lo lắng, hãy đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm máu hoặc siêu âm để có kết quả chính xác.

Làm gì để xác định chính xác có đang mang thai hay không?

Để xác định chính xác có đang mang thai hay không, chị em có thể sử dụng que thử thai hoặc đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm máu, siêu âm đầu dò.

Đối với que thử thai, khi sử dụng chị em nên lưu ý các yếu tố sau:

  • Sử dụng que thử thai sau khoảng 2 tuần quan hệ tình dục không an toàn, khi bị trễ kinh từ 5 – 7 ngày so với chu kỳ bình thường (trường hợp kinh nguyệt nữ giới đều đặn hằng tháng).
  • Nên dùng que thử thai vào buổi sáng sớm vì lúc này nồng độ hCG trong nước tiểu đạt tiêu chuẩn và có nồng độ cao nhất. Bên cạnh đó, chị em không nên uống quá nhiều nước trước khi thử thai vì nước có thể làm cho nồng độ hCG bị loãng ra, từ đó cho kết quả không chính xác.
  • Khi mua que thử thai, nữ giới nên lựa chọn các sản phẩm chính hãng, đạt chất lượng, có xuất xứ rõ ràng, hãng sản xuất có uy tín, còn hạn sử dụng,… Ngoài ra, cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất về cách dùng, thời gian chờ kết quả, yêu cầu về mẫu thử,… để kiểm tra được kết quả chính xác.

Khi đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm máu, siêu âm đầu dò, nữ giới cũng cần tuân thủ các ý sau:

  • Nên đến bệnh viện vào buổi sáng để thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm đầu dò vì lúc này các chỉ số của cơ thể ở mức ổn định nên sẽ thuận lợi cho việc kiểm tra và cho kết quả chính xác hơn.
  • Khác với các xét nghiệm máu khác, xét nghiệm máu thử thai không cần phải nhịn ăn vào buổi sáng. Tuy nhiên, chị em cũng lưu ý không uống nước trà, các loại nước có gas, rượu bia hay sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá trước 12 tiếng thực hiện xét nghiệm.
  • Khi thực hiện siêu âm đầu dò, nữ giới nên hạn chế uống nước, đi tiểu trước khi tiến hành siêu âm để bàng quang rỗng, dễ quan sát và cho kết quả đúng nhất.

Những lưu ý nếu biết đang mang thai?

Thai kỳ là quá trình quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Chính vì thế, khi biết mình mang thai, chị em nên:

Khám thai định kỳ giúp đảm bảo sức khỏe thai kỳ cho mẹ bầu và tầm soát các dị tật bẩm sinh cho thai nhi
Khám thai định kỳ giúp đảm bảo sức khỏe thai kỳ cho mẹ bầu và tầm soát các dị tật bẩm sinh cho thai nhi
  • Khám thai định kỳ: Khám thai định kỳ không chỉ giúp mẹ có thể nhìn thấy con yêu, quan sát sự phát triển từng ngày của thai nhi trong bụng mà còn giúp bác sĩ có thể kiểm tra các chỉ số phát triển của thai nhi như: Tuổi thai, ngày dự sinh, chu vi đầu (HC), chu vi vòng bụng (AC), chiều dài đầu mông (CRL), chiều dài xương đùi (FL),… cũng như tầm soát được các dị tật bẩm sinh mà thai nhi có thể mắc phải như: Hội chứng Down, thoát vị rốn,… Bên cạnh đó, mẹ bầu cần lưu ý các mốc khám thai quan trọng của thai kỳ như 8 – 13 tuần tuổi, 16 – 22 tuần tuổi, 28 – 32 tuần, 36 tuần tuổi.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ: Dinh dưỡng là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi trong thai kỳ. Mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ và cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (lipid) và các loại vitamin, chất xơ, khoáng chất. Không sử dụng các loại thực phẩm có hàm lượng thủy ngân cao, thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín, các thực phẩm chế biến sẵn và các loại thức uống có chứa thành phần Caffeine như cà phê, nước ngọt, trà và ca cao. Bên cạnh đó, chị em không nên ăn quá no mà nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa trong ngày. Điều này sẽ giúp cho cơ thể dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và kiểm soát được lượng đường giúp mẹ hạn chế tình trạng tiểu đường thai kỳ.
  • Vận động vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý: Mẹ bầu nên tránh vận động mạnh, mang vác các vật nặng, tránh đi nhanh và vận động nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng động thai, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi. Thay vào đó, chị em nên đi đứng nhẹ nhàng, tập luyện các bài tập thể dục dành riêng cho mẹ bầu khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày, không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp các cơ sàn chậu thư giãn, giãn nở giúp quá trình chuyển dạ diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, mẹ bầu nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đúng giờ và đủ giấc sẽ giúp cải thiện được tình trạng mệt mỏi, uể oải, phục hồi năng lượng một cách nhanh chóng.

Thử thai 2 vạch nhưng không có máu báo thai là tình trạng thường gặp, khá phổ biến. Vì thế, chị em không nên quá lo lắng hay căng thẳng về tình trạng này. Thay vào đó, chị em nên đến gặp bác sĩ để có được kết quả chính xác nhất, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho hành trình mang thai đầy ý nghĩa phía trước nhé!