Những ngày cuối năm âm lịch, ai cũng bận rộn với những công việc chuẩn bị đón năm mới và các bữa tiệc tất niên tại nhà với gia đình, người thân và bạn bè là hoạt động không thể thiếu của người Việt. Nó được biết đến như nét văn hoá lâu đời được truyền lại từ xa xưa. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ tiệc tất niên là gì và tại sao cần tổ chức tiệc tất niên. Mời các bạn cùng tìm hiểu thêm những thông tin thú vị về tiệc tất niên qua bài viết sau đây nhé!
Mục lục
- 1 Tìm hiểu tiệc tất niên là gì?
- 2 Vậy tiệc tất niên được tổ chức vào ngày nào?
Tìm hiểu tiệc tất niên là gì?
Nếu xét theo nghĩa Hán Việt thì từ “tất” mang ý nghĩa là: hết, hoàn thành, xong. Trong khi đó, từ “niên” có nghĩa là năm. Do đó, “tất niên” có thể hiểu đơn giản là kết thúc một năm.
Đây cũng chính là lý do vì sao người Việt lại làm lễ cúng tất niên, tiệc tất niên vào cuối năm. Nó là phong tục nhằm ghi nhận hoàn thành một năm, năm cũ qua đi và chuẩn bị bước sang một năm mới.
Vậy tiệc tất niên được tổ chức vào ngày nào?
Đối với các bữa tiệc tất niên tổ chức ở gia đình
Trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, tiệc tất niên là nét văn hoá rất quan trọng. Đây là thời gian tổ chức những bữa ăn liên hoan và nó thường được diễn ra vào ngày 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu), vào ngày 30 (nếu là năm đủ).
Người Việt thường tổ chức tất niên vào buổi chiều và buổi tối của ngày này, họ làm mâm cúng tất niên với nhiều món ăn và mời người thân, bạn bè tới tham dự.
Theo truyền thống của người Việt, họ sẽ chuẩn bị 2 mâm cỗ vào ngày này. Trong đó, 1 mâm cúng gia tiên được đặt tại bàn thờ ở trong nhà, 1 mâm cúng trời – đất sẽ được đặt ở khoảng sân trước nhà.
Sau khi cúng tất niên xong xuôi, mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, ngồi ăn tối. Ngoài bạn bè thì nhiều gia đình còn mời thêm hàng xóm thân quen chung vui nên không khí càng thêm đầm ấm.
Mâm cơm tất niên truyền thống của người miền bắc bao gồm các món ăn như: thịt gà luộc, thịt heo quay, giò lụa, chả quế, nem, canh bóng thả, miến, canh mọc, dưa hành, bánh chưng, giò heo hầm măng…
Trong khi đó, do đặc điểm thời tiết nóng bức nên mâm cơm tất niên ở miền Nam chủ yếu là đồ nguội như: canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho hột vịt, thịt heo luộc, bánh tét, canh măng, gỏi tôm thịt, nem rán, chả giò, củ kiệu muối…
Đối với các bữa tiệc tất niên tổ chức ở cơ quan đoàn thể
Những bữa tiệc tất niên ở các doanh nghiệp, các cơ sở làm việc là hoạt động thường niên và không còn xa lạ gì. Các bữa tiệc tổng kết này có thể diễn ra trong khoảng thời gian 1 – 2 tuần trước tết âm lịch.
Tiệc tất niên tại các cơ quan, doanh nghiệp không chỉ là thời điểm tổng kết các hoạt động của cả năm mà còn là cơ hội để các đồng nghiệp ít có cơ hội gặp nhau ngày thường được sum họp.
Ngày nay, các buổi tiệc tất niên của công ty có thể được tổ chức tại nhà hàng hoặc nơi sinh hoạt chung của doanh nghiệp tuỳ theo quy mô của từng đơn vị. Có rất nhiều công ty làm tất niên hoành tráng với sân khấu trình diễn, tiệc rượu kết hợp với hoạt động vinh danh, trao thưởng nhân viên ưu tú của năm.
Những ý nghĩa của buổi tiệc tất niên có thể bạn chưa biết
Nhìn lại một năm chuẩn bị qua đi và đón chào năm mới với nhiều hy vọng
Không cần phải bàn cãi thêm rằng: tất niên là một nét đẹp văn hoá có truyền thống lâu đời của người Việt. Những bữa tiệc tất niên chính là thời điểm để mọi người quây quần bên nhau, người thân trong gia đình sum vầy. Lúc này, mọi người sẽ cùng thưởng thức những món ăn ngon và ôn lại các sự kiện đã diễn ra trong 1 năm vừa qua.
Đây là dịp mà các thành viên bày tỏ suy nghĩ của mình, thể hiện tình cảm với mọi người trong gia đình. Đồng thời, cũng mong ước và hy vọng hơn về một năm mới với nhiều may mắn, thuận lợi.
Đêm 30 Tết còn kết hợp thêm lễ rước ông Công ông Táo về nhà với mục đích cầu mong sự ấm no đầy đủ và tài lộc trong năm mới.
Gia đình sum họp và gắn kết hơn
Trong tiệc tất niên, những người con đã lao động chăm chỉ, vất vả học tập trong suốt 1 năm qua sẽ được tụ họp với ông bà, cha mẹ. Mọi người tổng kết về những việc mình đã làm được, lên kế hoạch cho năm mới và cũng đón giao thừa.
Tết cổ truyền chính là dịp hiếm hoi mà những người làm việc xa nhà có dịp trở về bên người thân, tình cảm gia đình thêm gắn kết và bền chặt hơn.
Người Việt có quan niệm ăn cơm tất niên xong thì sẽ bỏ qua những điều không vui, những chuyện không tích cực của năm cũ để hướng tới năm mới với nhiều may mắn phía trước.
Tổng kết hoạt động và thành tích của cơ quan – doanh nghiệp
Ngày nay, các cơ quan và doanh nghiệp tổ chức tiệc tất niên như 1 hoạt động tổng kết thành tích, ăn mừng những dự án thành công, sự phát triển và lớn mạnh của công ty.
Đồng thời, đây cũng là lúc doanh nghiệp đưa ra mục tiêu hoạt động với những mục tiêu cho năm tới.
Thể hiện lời cảm ơn của doanh nghiệp đối với nhân viên
Tiệc tất niên còn là dịp để doanh nghiệp tổ chức trao thưởng và vinh danh cho những nhân viên có thành tích xuất sắc trong năm qua. Bằng cách này khích lệ nhân viên cố gắng hơn, đạt được nhiều thành công trong năm mới.
Quảng bá hình ảnh công ty tới các đối tác
Thông qua bữa tiệc tất niên, bằng cách tổ chức hoạt động này sẽ thể hiện được quy mô doanh nghiệp, sự chuyên nghiệp cũng như tầm nhìn của công ty. Nhờ đó, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đó tới những đối tác hiệu quả hơn.
Một số cách tổ chức tiệc tất niên công ty hiện nay
Tiệc tất niên của các công ty là hoạt động không còn xa lạ gì. Tuy nhiên để đảm bảo buổi tiệc tất niên công ty được diễn ra thành công và chu toàn thì bạn cần lưu ý tới một số điều như: quy mô, địa điểm tổ chức, ý tưởng chủ đạo cho bữa tiệc, danh sách tiết mục, thời lượng, thứ tự chương trình, thực đơn và quà tặng…
Có thể nói rằng món ăn đãi tiệc chính là nội dung quan trọng mà bạn cần chú ý khi lên kế hoạch cho bữa tiệc tất niên. Và nếu bạn chưa biết thì bữa tiệc này sẽ hoàn hảo và đúng phong cách nếu như có đầy đủ món ăn khai vị, tráng miệng.
Thứ tự diễn ra là: món khai vị, bữa tiệc bắt đầu, tới các món chính lên bàn, kết thúc là các món tráng miệng.
Do đó, bạn có thể linh hoạt và sáng tạo bằng cách kết hợp danh sách thực đơn từ nhiều món ăn khác nhau. Thường thì thực đơn sẽ có 1 – 2 món khai vị, 2 – 3 món chính và 1 món tráng miệng.
Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2022 qua đi, chào đón năm mới Quý Mão 2023. Hy vọng rằng, những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về ý nghĩa của tiệc tất niên trong phong tục người Việt và có thêm gợi ý cho việc chuẩn bị các bữa tiệc tất niên.