Những lầm tưởng về việc ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày

Ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày là điều mà chúng ta luôn được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng có những ngày bạn đi ngủ sớm và đủ 8 tiếng nhưng lại thức dậy với tinh thần mệt mỏi. Trong khi đó, có những ngày thức khuya và dậy sớm nhưng đầu óc lại tỉnh táo. Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta nhưng thực tế thì vẫn có nhiều lầm tưởng về giấc ngủ khiến chúng ta ngủ sai cách.

1.     Giấc ngủ có tầm quan trọng thế nào đối với sức khỏe?

Mỗi người chúng ta dành khoảng 1/3 cuộc đời để ngủ. Đây chính là khoảng thời gian cơ thể được nghỉ ngơi cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Đối với tuổi thiếu niên thì ngủ đủ giấc sẽ giúp phát triển chiều cao rất tốt. Ngoài ra, khi ngủ thì não cũng sẽ giúp giải phóng các hormone cải thiện trí nhớ, cải thiện miễn dịch… Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày dường như đã trở thành phương châm để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, đây cũng chính là lầm tưởng về việc ngủ sớm và ngủ đủ mà hầu hết mọi người đều mắc phải.

Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của chúng ta

Rất nhiều nghiên cứu và khảo sát khoa học đã chứng minh được mối liên kết giữa chất lượng giấc ngủ đối với tổng thể sức khỏe nói chung. Ngủ không đủ giấc khiến cơ thể mệt mỏi cả về thể chất, tâm lý, thiếu ngủ cũng khiến con người có nguy cơ cao mắc bệnh tim.

Ngủ không ngon, không sâu giấc khiến cơ thể uể oải, không thể tập trung, gây suy giảm trí nhớ. Đặc biệt, những người thức khuya thường gặp nhiều vấn đề về hệ miễn dịch, tim mạch, nguy cơ cao bị đột quỵ.

2.     Liệu chúng ta có bắt buộc phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày ?

Quan niệm ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày được nhiều người xếp vào các việc nên làm để bảo vệ sức khỏe. Thế nhưng, thực tế thì không phải ai cũng thích hợp để áp dụng nguyên tắc này.

Không khó để tìm thấy nhiều tài kiệt và vĩ nhân nổi tiếng ngủ chỉ 5 tiếng mỗi ngày, thậm chí là dưới 5 tiếng như: Leonardo da Vinci, Margaret Thatcher, Thomas Edison, Isaac Newton, Barack Obama, Mark Zuckerberg… Có thể dễ dàng nhận thấy những người này có điểm chung là thể trạng khỏe mạnh, trí óc minh mẫn, bộ óc sáng suốt.

Dựa trên nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ kết luận rằng thời gian ngủ cần thiết của mỗi người tùy thuộc vào độ tuổi, thể trạng sức khỏe, đặc điểm sinh học riêng của họ. Không nhất thiết tất cả mọi người đều phải ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.

Theo đó, trẻ sơ sinh cần tới 17 tiếng mỗi ngày để ngủ, thanh thiếu niên thì cần 8 – 10 tiếng. Trong khi đó người trưởng thành cần khoảng 6 – 9 tiếng đồng hồ để ngủ mỗi ngày.

Ying-Hui Fu –  nhà nghiên cứu sinh vật và di truyền học của Đại học California đã phát hiện ra thời gian giấc ngủ của một người còn phụ thuộc rất lớn vào gene di truyền. Theo đó, những người có mã gene DEC2 (ngủ ít) nếu buộc cơ thể ngủ nhiều hơn thì sẽ dẫn tới tình trạng stress.

Từ đây có thể thấy được rằng, từ trước tới nay vẫn có rất nhiều người lầm tưởng về việc ngủ sớm và ngủ đủ, ép bản thân phải ngủ theo thời gian biểu cứng nhắc.

ngu-du-giac
Khoa học đã chứng minh rằng chúng ta không nhất thiết phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày

3.     Lầm tưởng về việc ngủ sớm và ngủ đủ

Chắc chắn rằng hầu hết mọi người đều được nhắc nhở từ nhỏ là cần phải đi ngủ sớm để có tinh thần khỏe mạnh và tỉnh táo vào ngày mai. Nhưng có những ngày chúng ta đi ngủ lúc 2h sáng, thức dậy lúc 7h sáng nhưng tinh thần vẫn vô cùng tỉnh táo và thoải mái.

Trong khi đó, nhiều ngày chúng ta thức dậy thật uể oải và mệt mỏi dù đêm hôm trước đi ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng.

Các nhà khoa học đã đưa ra câu trả lời rằng, chúng ta không nhất thiết phải ngủ sớm. Mỗi người có đồng hồ sinh học đều với 24h nhưng hoạt động của mỗi người lại khác nhau với những đặc điểm riêng. Bên cạnh đó, thời gian ngủ không quan trọng bằng chất lượng giấc ngủ. Cho dù bạn có đi ngủ sớm nhưng lại không thể ngủ ngon hay ngủ sâu giấc thì nó cũng không hiệu quả bằng giấc ngủ ngắn nhưng chất lượng.

4.     Vậy chúng ta nên làm thế nào để cải thiện chất lượng giấc ngủ?

Khi đã nhận ra được những lầm tưởng về việc ngủ sớm cũng như ngủ đủ giấc thì bạn sẽ tự tin hơn trong việc điều chỉnh lại giấc ngủ của mình cho khoa học và phù hợp với bản thân để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

  • Nên nghiêm túc lập kế hoạch cho việc ngủ giống như các mục tiêu quan trọng nào khác. Tự nhắc nhở bản thân về việc lên giường đi ngủ hoặc cần thiết thì có thể đặt báo thức.
  • Cần có chế độ ăn uống và tập luyện thể thao khoa học, điều độ.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích trước giờ đi ngủ như: cà phê, thuốc lá, rượu bia…
  • Việc bố trí phòng ngủ thích hợp về ánh sáng, nhiệt độ cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần chú ý tới chăn, gối, nệm giường.

Cuộc sống với sự phát triển vượt bậc của công nghệ như hiện nay thì các thiết bị điện tử luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Rất nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng và cả xem ti vi trước khi đi ngủ.

Tuy nhiên các thiết bị này phát ra ánh sáng xanh làm giảm chất lượng giấc ngủ, khiến bạn khó vào giấc ngủ, ngủ không ngon. Thậm chí có nhiều người không thể dứt ra khỏi những thú vui khi sử dụng những thiết bị này, thời gian ngủ không được đảm bảo. Vì vậy, cần phải “cứng rắn” trong việc tránh xa các thiết bị này để đi ngủ.

cai-thien-giac-ngu
Có rất nhiều cách giúp chúng ta cải thiện chất lượng giấc ngủ

Xem thêm: Điểm mặt những thói quen xấu phá hủy hệ miễn dịch của bạn

Tạm kết

Có thể nói rằng, giấc ngủ chiếm phần thời gian khá lớn trong cuộc đời của mỗi người, nó cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, chất lượng sống của con người. Do đó, cần có chế độ ngủ khoa học và thích hợp với đặc điểm sinh học của mỗi người.

Trên đây chính là những lầm tưởng về việc ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng mà hầu hết mọi người đều mắc phải. Với những thông tin kể trên, mỗi người chúng ta đều có thể xem xét lại mình đã ngủ đúng cách và khoa học chưa, từ đó có cách cải thiện chất lượng giấc ngủ.