Đối với những chị em phụ nữ mang thai thì tình trạng đau bụng trong thai kỳ là điều không quá lạ lẫm. Tuy nhiên, điều đáng lo là có khá nhiều mẹ bầu chủ quan với những hiện tượng đau bụng này vì đó có thể là những dấu hiệu bất thường. Việc xác định rõ nguyên nhân đau bụng khi mang thai sẽ giúp đưa ra hướng giải quyết kịp thời, tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Mục lục
1. Chướng bụng tạo thành cơn đau trong thai kỳ
Chướng bụng là khi có lượng khí tích tụ trong hệ thống tiêu hóa tạo cảm giác đầy bụng khó chịu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân đau bụng khi mang thai khiến bà bầu gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Điều đáng nói là phụ nữ mang thai càng có nguy cơ cao bị chướng bụng. Theo Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), phụ nữ trong thai kỳ sẽ bị gia tăng Progesterone. Loại hormone này khiến cơ ruột giãn ra làm thời gian thức ăn đi qua ruột lâu hơn, tạo điều kiện cho lượng khí tích tụ càng nhiều. Từ đó làm cho tình hình chướng bụng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi, tử cung ngày càng phải mở rộng và chèn ép lên các cơ quan, trong đó có hệ tiêu hóa khiến việc tiêu hóa bị chậm lại.
Biện pháp cải thiện
Trong trường hợp này, chị em bầu bí có thể thử thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể là ăn nhiều bữa nhỏ và uống nhiều nước hơn, hạn chế các loại đồ ăn khó tiêu như: chiên xào, bắp cải… Đồng thời cũng nên tập thể dục nhẹ nhàng để giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn.
2. Nguyên nhân đau bụng khi mang thai – Đau dây chằng tròn
Tử cung có 2 dây chằng tròn chạy qua xương chậu, khi tử cung lớn dần lên để thích nghi với sự phát triển của thai nhi thì 2 dây chằng này cũng phải căng ra. Đây chính là nguyên nhân khiến bà bầu bị đau âm ỉ, đau nhói ở hông hoặc vùng xương chậu.
Ngoài ra, việc hắt hơi, thay đổi tư thế hoặc ho cũng có thể khiến mẹ bầu cảm nhận được những cơn đau này. Những cơn đau do dây chằng tròn gây ra thường xuất hiện ở nửa cuối thai kỳ khi thai nhi trong bụng to lên rõ rệt.
Biện pháp cải thiện
Theo các bác sĩ chuyên khoa thì biện pháp hiệu quả nhất để giảm những cơn đau dạng này là từ từ đứng lên nếu bà bầu đang ngồi hoặc nằm. Trong trường hợp muốn hắt hơi hoặc ho thì nên uốn cong người một chút. Việc này sẽ giúp làm giảm áp lực lên dây chằng và giảm mức độ của cơn đau.
Bà bầu cũng có thể tập luyện một số bài tập kéo dãn theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện những con đau trong thai kỳ do dây chằng tròn gây nên.
3. Táo bón gây đau bụng khi mang thai
Cũng như chướng bụng, táo bón là tình trạng vô cùng phổ biến ở phụ nữ trong suốt thai kỳ. Do ảnh hưởng của nội tiết tố, chế độ ăn uống thiếu hụt chất xơ hoặc chất lỏng, không tập thể dục, thiếu sắt… đều dẫn tới chứng táo bón.
Khi bị táo bón thì bà bầu có nguy cơ cao bị đối mặt với những cơn đau dữ dội và nếu không được cải thiện kịp thời có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi trong bụng.
Biện pháp cải thiện
Đối với nguyên nhân đau bụng khi mang thai do táo bón thì mẹ bầu có thể cải thiện bằng cách tăng lượng chất xơ trong thực đơn hàng ngày và nên uống thêm nước. Theo nhiều chuyên gia khuyến cáo thì bà bầu nên uống ít nhất từ 8 – 10 ly nước mỗi ngày.
Trong trường hợp bị táo bón quá nặng thì nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có biện pháp khắc phục hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi trong bụng.
4. Cơn gò Braxton-Hicks – một trong những nguyên nhân đau bụng khi mang thai
Cơn gò sinh lý Braxton-Hicks khiến nhiều người hiểu lầm đây là dấu hiệu chuyển dạ của thai phụ. Tuy nhiên, nó chỉ là những cơn co thắt xuất hiện khi các cơ tử cung co lại. Thường thì những cơn Braxton-Hicks sẽ xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ 3
Những cơn co này không thể dự đoán trước được, nó khiến bà bầu bị đau đè nặng lên vùng bụng. Tuy nhiên, chị em bầu bí có thể yên tâm vì đây là điều hết sức bình thường diễn ra trong thai kỳ. Do đó, không cần quá căng thẳng, thay vào đó nên thư giãn và vận động cơ thể nhẹ nhàng.
Xem thêm: Phụ nữ 35 tuổi có nên sinh con không? Độ tuổi nào sinh con hợp lý nhất
5. Hội chứng HELLP
Tổng hợp 3 vấn đề bao gồm: tan máu, tiểu cầu thấp và men gan cao được gọi là hội chứng HELLP. Đây được đánh giá là một biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới sức khỏe và cả tính mạng người mẹ cũng như thai nhi trong thai kỳ.
Về nguyên nhân chính xác của hội chứng HELP thì bác sĩ vẫn chưa thể xác định được. Tuy nhiên, bà bầu mắc hội chứng này thường có nguy cơ cao bị chứng tiền sản giật.
Có một số ít những bà bầu mắc hội chứng HELP vẫn có chỉ số sức khỏe bình thường trong suốt thai kỳ. Những trường hợp làm mẹ lần đầu sẽ có nguy cơ cao hơn mắc hội chứng này.
Đau bụng dưới bên phải là triệu chứng phổ biến và dễ nhận thấy nhất của hội chứng HELLP. Bên cạnh đó, có một số dấu hiệu khác bao gồm:
- Đau đầu
- Mệt mỏi và khó chịu
- Buồn nôn và ói mửa
- Tầm nhìn mờ
- Huyết áp cao
- Phù nề
- Chảy máu vùng kín
Nếu bà bầu bị đau bụng trong thai kỳ kèm theo bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì nên tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trên đây chính là những nguyên nhân đau bụng khi mang thai phổ biến nhất. Dựa vào việc nắm rõ được những nguyên nhân này, các bà bầu sẽ có biện pháp phòng ngừa, cải thiện cũng như khắc phục kịp thời để bảo vệ sức khỏe cho mình và thai nhi trong bụng.
Trong trường hợp, bị đau bụng kéo dài nhiều ngày mà không giảm hoặc mức độ tăng dần lên thì không nên chủ quan, bà bầu nên tới gặp bác sĩ sớm nhất để được thăm khám.