Là chủ đề của chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản tới đoàn viên thanh niên (ĐVTN) sinh viên trên địa bàn tỉnh do Tổ chức DKT tại Việt Nam phối hợp với Tạp chí Thanh niên và Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức sáng 28/9 tại Công viên 3/2.
Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích như: Tặng 500 chiếc áo tới sinh viên; chuyên gia về sức khỏe sinh sản trao đổi và tư vấn về tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai hiện đại… Điểm nhấn của chương trình là hội thi sân khấu hóa tuyên truyền về sức khỏe sinh sản trong ĐVTN, sinh viên với sự tham gia của 4 đội thi đến từ các trường đại học thuộc Đại học Huế.
Thông qua các tiểu phẩm về hậu quả sống thử, tình dục không an toàn dẫn đến phá thai trong sinh viên, các đội thi đã mang lại thông điệp cho hàng trăm ĐVTN, sinh viên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản đến đời sống, tương lai và các hệ lụy khác nếu thiếu những kiến thức cơ bản về nó.
Sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Vy, đến từ Trường đại học Sư phạm Huế chia sẻ: “Đây là chương trình rất bổ ích với sinh viên năm nhất như em. Qua các hoạt động, em đã có thêm nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình yêu, tình dục để tự bảo vệ cho bản thân. Em nghĩ mỗi tiểu phẩm từ hội thi là một bài học cảnh tỉnh không chỉ cho cho sinh viên mới vào trường mà cho toàn thể ĐVTN, sinh viên”.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, đại diện Tổ chức DKT International tại Việt Nam, giới trẻ hiện nay đang ngày càng có suy nghĩ và quan niệm cởi mở hơn trong tình yêu và tình dục. Nhiều người trẻ có quan niệm tình yêu đi liền với tình dục, sẵn sàng trao thân và chấp nhận “giải quyết” khi để lại “hậu quả” ngoài ý muốn. Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong đó, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học sinh.
Vì vậy công tác tuyền truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của thanh niên về sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, nạo phá thai cần có kế hoạch hành động cụ thể với sự chung tay của nhiều ban ngành, tổ chức xã hội bởi thách thức lớn nhất trong việc hạn chế tình trạng này là nhận thức, quan niệm của cộng đồng. Cần có cách nhìn thực tế về lối sống của giới trẻ và xu thế phát triển của họ để có chương trình cụ thể nhằm tăng cường nhận thức về tình dục an toàn và ngừa thai hợp lý, tránh trình trạng mang thai ngoài ý muốn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Thanh niên, Trưởng ban tổ chức chương trình “Hành trình SV – OK” cho biết: Mục đích của chương trình là tạo sự chuyển biến tích cực trong sinh viên góp phần giảm tỷ lệ nạo phá thai và các bệnh lây truyền về tình dục và ảnh hưởng đến sức khỏe cho cho các bạn ĐVTN, sinh viên.
Hải Thuận – Báo Thừa Thiên Huế.